Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đại học Y Dược TP HCM vừa báo cáo một ca bệnh hiếm gặp. Bệnh nhi nam 14 tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, vì từng có biểu hiện dị ứng thức ăn nặng sau đá bóng: mề đay, ngất và khó thở, trước đó trẻ ăn 1 trong 3 loại thức ăn tôm, cua hoặc bò.
|
Sau khi ăn tôm 1 - 2 giờ, trẻ chơi đá bóng. 20 phút sau chơi, trẻ bắt đầu đổ mồ hôi, cảm giác nóng bừng sau gáy, xuất hiện mẩn đỏ và mề đay sau cổ. Ảnh minh họa |
Tháng 7/2019, sau khi ăn tôm 1 - 2 giờ, trẻ chơi đá bóng. 20 phút sau chơi, trẻ bắt đầu đổ mồ hôi, cảm giác nóng bừng sau gáy, xuất hiện mẩn đỏ và mề đay sau cổ, rải rác lan dần tay chân, ngứa.
Trẻ ngừng chơi về nhà khoảng 5 phút nằm nghỉ 20 phút. Mề đay xuất hiện toàn thân, khó thở và trẻ bất tỉnh tại nhà.
Trẻ được đưa vào cấp cứu. Sau đó trẻ ổn và được xuất viện sau 2 giờ.
Từ tháng 9 - tháng 11/2019, trẻ có các đợt tương tự. Triệu chứng ngày càng nặng dần khi trẻ chơi đá bóng sau ăn tôm, cua. Đợt gần nhất tháng 6 /2020 sau khi trẻ ăn bò bít-tết và chơi đá bóng 2 giờ.
Thời gian xảy ra triệu chứng từ lúc ăn khoảng 2-3 giờ, lặp lại nhiều lần, trẻ phải nhập cấp cứu và được chẩn đoán phản vệ nghi do dị ứng thức ăn tại cơ sở y tế địa phương.
Theo các bác sĩ nhi khoa, phản vệ do gắng sức phụ thuộc thức ăn (Food-dependent exercise-induced anaphylaxis - FDEIA) là một phân nhóm của phản vệ do gắng sức (EIA) và xuất hiện khi có vận động sau khi ăn một loại thức ăn đặc hiệu hoặc không đặc hiệu nào đó trong một khoảng thời gian.
FDEIA rất hiếm gặp, với tần suất mắc bệnh ước tính < 0,0001% - 0,017%, tuổi thường gặp từ thanh thiếu niên đến 35 tuổi.
Phản ứng sẽ không xảy ra nếu thức ăn và vận động độc lập nhau. Triệu chứng gồm nóng, đỏ, mề đay toàn thân, phù mạch, ngứa, khò khè, khó thở và có thể ngất, sốc dạng phản ứng nặng.
FDEIA khó chẩn đoán và cần phải có đủ 2 yếu tố dị nguyên thức ăn gây ra phản ứng và vận động.
Vì vậy, các bác sĩ đã hướng dẫn và thiết lập một kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân không vận động trước hoặc sau ăn tôm, cua hoặc bò từ 2 - 4 giờ.
Bệnh nhân và người nhà được hướng dẫn để nhận biết các dấu hiệu bất thường để sớm ngừng vận động cũng như nhận biết các dấu hiệu nặng như mề đay, phù mặt và khó thở để đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt, bệnh nhân khi chơi thể thao cần có người thân hoặc bạn biết bệnh ở cạnh bên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19: