|
Sá sùng biển - Ảnh Internet |
Bệnh nhân D. cho biết có tiền sử dị ứng với hải sản, thuốc giảm đau chứa Codein, hen phế quản, nhưng không tái phát, đã ngừng điều trị duy trì hơn một năm.
Tại Phòng Cấp cứu, qua thăm khám ban đầu xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. Lúc đó, bệnh nhân sốc phản vệ nặng (độ II) có da và niêm mạc đỏ hồng, xuất hiện sần và phù rải rác toàn thân, mạch nhanh nhưng thân nhiệt bình thường và còn tỉnh táo.
Xét nghiệm phân tích máu cho thấy các chỉ số bạch cầu lympho, men gan, và dị ứng đều tăng. Vì vậy, bác sĩ cho người bệnh nằm tư thế đầu thấp chân cao, tiến hành tiêm bắp Adrenalin, truyền dịch tinh thể và thở oxy mask.
Tuy nhiên, sau 30 phút theo dõi, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển sang sốc phản vệ nguy kịch (độ III) với các dấu hiệu kích thích, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh 140 lần/phút, huyết áp tụt, khó thở.
Trước sự nguy kịch đó, bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, duy trì bơm tiêm điện Adrenaline tĩnh mạch và các thuốc cấp cứu khác, thở oxy qua mask, theo dõi huyết áp trên màn hình monitor. Sau 3 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân dần tỉnh táo trở lại, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn.
Nguyên nhân gây sốc phản vệ
Phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau nhưng có đặc điểm chung là xuất hiện nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Thường do nguyên nhân phản ứng dị ứng. Các dấu hiệu phản vệ thường xuất hiện rất nhanh, đột ngột từ vài phút đến vài giờ sau tiếp tiếp xúc với dị nguyên như: thuốc, bị côn trùng đốt, hay sau khi ăn thức ăn lạ.
BSCKI Nguyễn Minh Thắng - Phó Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Tỉ lệ dị ứng ở trong cộng đồng rất cao. Phản ứng dị ứng là một phản ứng nặng và có thể chuyển độ rất nhanh từ nặng lên nguy kịch hoặc ngưng hô hấp tuần hoàn. Ngoài ra nhiều trường hợp còn xuất hiện phản vệ pha 2, tức là lại rơi vào tình trạng phản vệ sau đó dù đã được xử lý cấp cứu ổn định. Như trường hợp bệnh nhân D., này, từ phản vệ mức độ nặng (độ II) chuyển rất nhanh thành sốc phản vệ (độ III) và tiếp tục xảy ra phản vệ pha 2 ngay trong tối hôm đó”.
Qua đó, bác sĩ khuyến cáo tất cả bệnh nhân dị ứng phải theo dõi tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế được trang bị thuốc cấp cứu phản vệ trong vòng ít nhất 24 giờ. Với người bệnh có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng nên trang bị dự phòng thuốc chống dị ứng trong người.
Phòng ngừa dị ứng và sốc phản vệ bằng cách nào?
Để phòng ngừa và giảm thiểu xảy ra dị ứng, tai biến sốc phản vệ, bạn hãy lưu ý những nguyên tắc sau:
- Nếu có tiền sử dị ứng, bạn nên trao đổi với bác sĩ khi khám bệnh và kê đơn thuốc. Ngoài ra, hãy luôn mang theo các loại thuốc giải dị ứng trong người.
- Khi đang dùng thuốc, nếu xuất hiện cảm giác bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, khó thở,... hãy nói ngay với bác sĩ để dừng lại và xử lý kịp thời.
- Tất cả các bệnh nhân nếu sử dụng thuốc tiêm – truyền nên được nhập viện nội trú hoặc theo dõi sau tiêm truyền thuốc tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo dõi và xử lý phản vệ.
- Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua và sử dụng thuốc, tiêm truyền thuốc tại nhà.
- Không ăn các thức ăn đã từng gây dị ứng, phản vệ.