Cà chua là một trong những loại "siêu thực phẩm" rất tốt cho sức khỏe con người. Cà chua có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, chất xơ và vitamin.
Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, cùng với các loại carotenoid và dồi dào kali, cà chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và ổn định huyết áp.
Tuy tốt, nhưng có hai loại cà chua tuyệt đối không nên ăn:
Cà chua xanh
Cà chua chưa chín hoàn toàn chứa một lượng tương đối lớn các chất độc hại là solanine. Solanine không chỉ gây kích ứng và ăn mòn đường tiêu hóa cao mà còn gây tê liệt trung tâm và tán huyết.
Cơ thể con người nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ dễ bị ngộ độc, nhẹ thì miệng đắng, tê, khô miệng; nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp tính như buồn nôn, nôn, tiết nước bọt, đau bụng, tiêu chảy; nguy hiểm hơn là xuất hiện mệt mỏi toàn thân, thậm chí tử vong.
Solanine có độc tính cao, liều gây ngộ độc cho cơ thể con người là 2,8 mg/kg thể trọng, liều gây ngộ độc cho trẻ em còn ở mức thấp hơn.
Hàm lượng solanine trong cà chua chưa chín cao hơn so với khi đã chín, 100g cà chua xanh có 58mg solanine. Ví dụ, một phụ nữ trưởng thành nặng 50kg chỉ cần 140mg solanine là có thể bị ngộ độc, tức là người phụ nữ chỉ cần ăn một quả cà chua xanh lớn một chút là có thể gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, hàm lượng solanine trong cà chua sẽ giảm dần khi cà chua chín dần và chuyển sang hẳn màu đỏ, lúc này solanine gần như biến mất, khi ăn không còn gây độc hại. Do đó, mọi người nên chọn những quả cà chua chín mọng để ăn, đừng dại ăn quả xanh.
Cà chua bị đốm đen
Cà chua có đốm đen, thối rữa và hư hỏng, nguyên nhân chủ yếu là do bị nhiễm khuẩn Alternaria. Alternaria là một loại nấm chuyển hóa độc tố có thể gây ung thư và các rủi ro sức khỏe khác.
Độc tố Alternaria không chỉ có ở vết đen mà nó sẽ thấm và lan từ phần bệnh thối sang phần không bị. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng độc tố nấm mốc vẫn có thể được phát hiện ở những phần trông có vẻ bình thường trong phạm vi 2cm tính từ khu vực bị thối. Vì vậy, nếu chỉ cắt bỏ những chỗ bị thối, đen thì không thể loại bỏ hoàn toàn độc tố nấm mốc.
Lưu ý khi ăn cà chua:
Rửa sạch trước khi ăn. Cà chua cần được rửa sạch trước khi ăn để loại bỏ bụi bẩn, sâu bệnh và chất bảo quản.
Nên ăn cà chua tươi. Cà chua tươi là nguồn dinh dưỡng tốt vì giữ trọn vẹn được các vitamin và các chất oxi hóa so với khi nấu chín với nhiệt. Vì vậy, bạn nên ăn cà chua tươi để tận dụng tối đa các lợi ích dinh dưỡng.
Hãy chế biến cà chua lành mạnh. Bạn nên hạn chế các món cà chua với quá nhiều dầu mỡ hoặc đường. Thay vào đó, bạn có thể chế biến cà chua một cách lành mạnh: sốt cà chua tươi, salad, nước ép,…
Không ăn quá nhiều cà chua. Mặc dù cà chua rất tốt cho sức khỏe, nhưng bạn không nên ăn quá nhiều. Đặc biệt là khi bạn đang dùng thuốc kháng sinh hoặc có vấn đề về dạ dày.
Việc ăn quá nhiều cà chua có thể gây khó tiêu hóa và tăng nguy cơ bị viêm dạ dày.