Một trong những lý do nhiều người chọn bột sắn dây uống trong những ngày hè là sắn dây có tính hàn nên có công dụng giải nhiệt rất tốt. Uống bột sắn dây sẽ giúp bạn giải nhiệt, giải độc, bảo hộ tế bào gan, hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu.
Ngoài ra, bột sắn dây còn chống lão hóa và ung thư, dự phòng tích cực tình trạng nhiễm virut đường hô hấp, nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong tình trạng thiếu ôxy...
Ảnh minh họa
Nên uống bột sắn pha sống hay đun chín?
Theo các chuyên gia, khi uống sống, hàm lượng dinh dưỡng sẵn có trong sắn dây được giữ nguyên nên rất bổ dưỡng lại dễ làm. Tuy nhiên, không phù hợp người bụng dạ yếu vì có thể dẫn đến tiêu chảy, lạnh bụng do tính hàn của sắn dây.
Khi pha chín, bột sắn dây bị giảm dược tính đi khá nhiều, lượng dinh dưỡng cũng giảm. Tuy nhiên ăn chín thì an toàn sức khỏe cho mọi người vì hầu hết chúng được chế biến thủ công, không qua khử trùng hay đạt tiêu chuẩn chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nào nên sẽ không thể tránh khỏi việc lẫn tạp chất, bụi bẩn và kể cả các loại vi trùng.
Để an toàn, nên uống bột sắn dây pha với nước sôi hoặc nấu thành chè, có thể để nguội hay, bảo quản ngăn mát tủ lạnh hoặc thêm ít nước đá để thưởng thức.
Ảnh minh họa
Ai không nên dùng bột sắn dây?
Các thầy thuốc khuyến cáo những người có dương khí hư với các triệu chứng: Đại tiện lỏng, bụng đầy trướng, lạnh bụng, tay chân thường lạnh, không khát nước, miệng nhạt, sắc mặt vàng tái… không nên dùng sắn dây.
Đối với trẻ em, do tinh bột lọc ra từ cây sắn dây và ở dạng "sống", có tính hàn rất mạnh. Các bộ phận của trẻ em nhìn chung còn yếu ớt nên nếu dùng sống sẽ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn sẽ làm cho tính hàn giảm bớt, đồng thời vừa dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn.
Đối với phụ nữ trong thai kỳ, nếu cơ thể đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt, nhưng nếu thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì không nên uống. Trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, mà do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.
3 lưu ý cần tránh khi uống bột sắn dây để tránh gây hại sức khỏe
Bột sắn dây không pha quá nhiều đường
Bột sắn dây thường được pha với đường, trong khi đường là nguyên liệu được khuyến cáo không nên ăn nhiều, nhất là với những người có những bệnh mãn tính.
Thay vì đường, bạn có thể pha một chút muối, hoặc nếu vẫn muốn uống đường thì chỉ nên pha ngọt man mát.
Không ăn quá nhiều bột sắn dây
Bất kể thứ gì ăn quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe, kể cả những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày. Cách uống sắn dây tốt nhất là nên uống chín.
Không ướp bột sắn với hoa bưởi
Nhiều người có thói quen ướp hoa bưởi vào sắn dây để nước uống được thơm hơn. Tuy nhiên thói quen này nên bỏ bởi hoa bưởi là làm giảm dược tính của bột sắn dây một cách đáng kể. Hơn nữa, bột sắn dây đã được ướp hoa bưởi rất dễ bị mốc, hoặc được các thương lái ướp hoa bưởi để khử mùi ẩm mốc, hoặc át mùi bột sắn dây giả.
Ảnh minh họa
Cách chọn bột sắn dây an toàn cho sức khỏe
Bột sắn dây thật là loại bột hạt to, sắc cạnh, có màu trắng tinh khiết, có hương thơm tự nhiên đặc trưng của bột sắn dây, bột khô, không ẩm. Khi đưa lên miệng cắn, bột sắn dây thật có vị giòn tan, tan nhanh trong miệng và thấy ấm nơi đầu lưỡi. Bột sắn dây sau khi tan ra lưỡi chúng ta sẽ cảm nhận được sự mềm mịn và không có sạn.
Ngược lại, nếu là bột sắn dây giả, bột có lẫn nhiều tạp chất thì viên bột không sắc cạnh, hạt nhỏ. Khi quan sát không có màu trắng tự nhiên, thường không có mùi thơm hoặc rất nặng mùi, khi cắn thử thấy viên bột mềm.
Ngoài ra, để thử bột sắn dây nguyên chất hay không, bạn thử bằng cách hòa tan với nước theo tỉ lệ 1 sắn dây, 5 nước sau đó cho vào nồi nấu vừa nấu vừa khuấy đều tay. Khi bột chín, nguội nếu thấy bột đặc, cứng và dai thì là bột sắn dây nguyên chất. Ngược lại nếu thấy bột lỏng, nhảo và nát là bột giả.