Tại Việt Nam, lò đốt rác thải y tế vẫn là một trong những công nghệ đang được sử dụng để xử lý chất thải y tế. Để kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát từ những lò đốt chất thải rắn y tế, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chính sách.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2013/TT-BYT ngày 15/10/2013 quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện, trong đó quy định các cơ sở y tế phải thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế theo QCVN 02:2012/BTNMT với tần suất 3 tháng 1 lần và phải báo cáo cơ quan quản lý theo thẩm quyền.
Bộ Y tế cũng đã chủ động xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011. Đề án nêu rõ giải pháp công nghệ trong xử lý chất thải y tế là "Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế theo định hướng áp dụng công nghệ mới, đảm bảo tính thân thiện với môi trường... đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường" và mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo 100% chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn về môi trường.
|
Rác thải y tế. |
Để triển khai Đề án, Bộ Y tế đã bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, từ nguồn kinh phí Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí là 150 triệu USD… để tập trung hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường cho các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ, các bệnh viện công lập thuộc các địa phương có quy mô giường bệnh lớn, nguy cơ phát sinh chất thải nhiều; tăng cường năng lực quan trắc môi trường cho các
Viện chuyên ngành trực thuộc Bộ Y tế để quan trắc, giám sát môi trường y tế, trong đó có việc giám sát khí thải từ lò đốt chất thải rắn y tế. Hiện nay, lò đốt chất thải rắn y tế được sử dụng chủ yếu ở các bệnh viện tỉnh và huyện. Vì vậy UBND tỉnh có vai trò chính trong việc kiểm tra, giám sát, đầu tư và định hướng công nghệ mới thân thiện môi trường để thay thế dần các lò đốt không đạt quy chuẩn môi trường.
Bộ Y tế đã thường xuyên có văn bản gửi UBND cấp tỉnh đề nghị rà soát, đánh giá tình trạng hoạt động của các lò đốt chất thải rắn y tế và xây dựng kế hoạch loại bỏ các lò đốt không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đề xuất biện pháp kiểm soát các lò đốt rác nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu và đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng và đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp và có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo UBND các địa phương và Lãnh đạo các cơ sở y tế.
Cũng liên quan đến việc kiểm soát lò đốt rác thải y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế quy định rõ: “Khí thải từ các lò đốt chất thải rắn y tế phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, trong đó có chỉ tiêu về Dioxin/Furan PCDD/PCDF phải đảm bảo thấp hơn 2,3 ngTEQ/Nm3”.
Công nghệ đốt là một trong những công nghệ được sử dụng để xử lý chất thải rắn tại một số nước trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ đốt là xử lý đa số các loại chất thải và giảm tối đa thể tích chất thải sau xử lý. Tuy nhiên, nếu chế độ vận hành không chuẩn và không có hệ thống xử lý khí thải sẽ làm phát sinh ra những chất độc hại như dioxin, furan gây ô nhiễm môi trường thứ phát; chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí giám sát môi trường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước khi chưa có điều kiện sử dụng các công nghệ tiên tiến thì sử dụng lò đốt rác thải y tế có thể vẫn được xem là giải pháp thích hợp, tạm thời (Theo tài liệu của WHO: Fact sheet No 281 và Quản lý an toàn chất thải từ các hoạt động y tế năm 2014).
Mời độc giả xem video: Virus Zika làm teo đầu trẻ em rất dễ tấn công Việt Nam: