Là người công tác nhiều năm trong lĩnh vực xét nghiệm ADN, không ít lần ThS Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) phải “bất đắc dĩ” giải thích cho những trường hợp dở khóc dở cười. Bà nhớ có một ông bố ở Bắc Giang từng "vác" cả 2 con đẻ đi xét nghiệm chỉ vì chúng không cùng nhóm máu với bố.
Con ruột hay “con hàng xóm”
Anh Nguyễn Văn Quân (47 tuổi) và chị Hoàng Thị Hạnh (42 tuổi) ở Bắc Giang lấy nhau hơn chục năm nay. Cả hai có 2 con, đứa lên 8, đứa còn lại mới lên 5. Cuộc sống hai vợ chồng công chức nhà nước đủ ăn, đủ tiêu, không dư dả gì nhưng họ đều hài lòng. Vậy mà từ hôm kiểm tra sức khỏe cả nhà, nhận kết quả xét nghiệm máu anh Quân lo lắng, bất an tới mất ăn mất ngủ.
Hôm đó cơ quan anh có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các nhân viên. Tiện ngày nghỉ chủ nhật, anh đưa chị Hạnh và 2 đứa trẻ đến bệnh viện kiểm tra luôn.
Anh Quân, chị Hạnh và các con đều sức khỏe tốt. Nhưng nhìn vào tờ kết quả xét nghiệm máu trên tay, mặt anh Quân tối sầm lại. Anh nhóm máu B, con trai nhóm máu AB, còn con gái lại nhóm máu O. Anh giật mình khi cả hai con đều không cùng nhóm máu với anh. “Chả lẽ vợ lại là người phản bội. Cô ấy vốn rất chung thủy cơ mà”, những suy nghĩ tiêu cực cứ thế xuất hiện trong đầu anh.
Cũng từ đó, kết quả xét nghiệm máu và hình ảnh cô vợ phản bội cứ lởn vởn trong anh. Cả ngày, dù ở cơ quan hay ở nhà, anh như người mất hồn, chẳng làm được việc gì. Mệt mỏi vì nghi ngờ, anh quyết định bí mật đưa hai con đi xét nghiệm ADN “để khẳng định cho chắc chắn”.
Tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT), anh được hướng dẫn các quy trình và lấy mẫu. Sau đó anh và các con về nhà đợi đúng lịch hẹn đến nhận kết quả.
Ngày trả kết quả, một mình anh Quân tới trung tâm với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Chẳng phải chờ đợi lâu, anh Quân đã có được tờ kết luận xét nghiệm ADN. Phần cuối tờ giấy ghi rõ, hai đứa trẻ là con ruột của anh.
Trái ngược với tâm lý đáng lẽ ra phải vui mừng, anh Quân lại càng thêm nghi ngờ. Anh tìm người lãnh đạo trung tâm xét nghiệm "quyết hỏi cho ra nhẽ"…
Con và bố “khác nhóm máu như thường”
Gặp bà Nga, anh Quân vội vã kể về tờ giấy kết luận, ănhs mắt có vẻ đầy nghi hoặc: “Cả hai đứa đều là con tôi à chị”?
“Vâng, phần kết luận chúng tôi đã nêu rất rõ”, bà Nga nói. “Tài thật, là con mà không cùng nhóm máu với bố”, anh Quân tiếp tục hỏi.
Nhìn dáng vẻ lo lắng, có chút nghi hoặc của anh Quân, bà Nga dần hiểu ra sự tình, bình tĩnh hỏi đầu đuôi câu chuyện. “Con anh một cháu nhóm máu AB, đứa còn lại nhóm máu O, anh nhóm máu B thì hai đứa là con anh rồi. Anh không phải nghi ngờ gì nữa”, bà Nga nói.
Bà Nga giải thích thêm, trường hợp hai con và bố khác nhau về nhóm máu thì “hãn hữu” lắm mới xảy ra kết luận một đứa không phải là con anh. Nhưng với những nhóm máu trên thì anh và các con không rơi vào trường hợp đó. Nghĩa là, không phải cứ cha con ruột là sẽ có cùng nhóm máu với nhau.
Ví dụ như trường hợp cả bố và mẹ mang nhóm máu O thì con không thể mang nhóm máu A, B hoặc AB mà mang nhóm máu O. Ngược lại, cả bố và mẹ có nhóm máu AB thì con cái không thể có nhóm máu O mà chỉ có thể mang nhóm máu A, B hoặc AB. "Do đó, nhóm máu của anh Quân và các con không rơi vào trường hợp đó", bà Nga khẳng định.
Cũng theo bà Nga, có nhiều trường hợp là cha và con có cùng nhóm máu, nhưng khi xét nghiệm ADN lại khẳng định không phải là cha con ruột. Đó là hệ quả của các quy luật di truyền.
“Số lượng nhóm máu thì rất ít, mà nhân loại có tới 8,9 tỷ người. Nếu cứ cùng nhóm máu mà là cha con của nhau thì chỉ biết ai là con mình, ai là con người khác. Điều này là vô lý. Nó cũng vô lý như nếu không cùng nhóm máu mà khẳng định luôn là không phải cha con của nhau vậy. Điều đó đã được chứng minh trên phương diện khoa học”, bà Nga nói.
Nghe giải thích cặn kẽ, khuôn mặt anh Quân vui vẻ hẳn. Hóa ra bấy lâu nay, chỉ vì sự thiếu hiểu biết mà anh nảy sinh sự nghi ngờ, làm ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng, con cái. Anh cảm thấy có lỗi với vợ và con.
Ra về, anh xé bỏ đi tờ giấy kết quả ADN rồi vứt vào thùng rác, anh bỏ cả sự hoài nghi từng đeo bám anh suốt mấy tuần qua.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.