Đó là một cuộc điện thoại gọi ra từ Quảng Bình. Đầu dây bên kia, một người đàn ông tham khảo thông tin bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, về vấn đề xét nghiệm quan hệ cha - con.
Nữ giám đốc cho biết: ‘Người đàn ông này muốn xét nghiệm mẫu tóc và móng tay. Nghe yêu cầu của khách hàng, tôi khuyên anh chỉ làm xét nghiệm một trong hai mẫu bởi 2 xét nghiệm ADN này sẽ cho ra kết quả như nhau. Nếu thực hiện cả hai chi phí sẽ đội lên gấp đôi.
Tôi cũng nói với anh, nến lựa chọn nên xét nghiệm mẫu tóc bởi mẫu tóc sẽ rẻ hơn móng tay, nhằm tiết kiệm cho khách hàng’.
|
Mẫu tóc, móng tay và máu dùng để xét nghiệm ADN. |
Mặc dù được tư vấn như vậy nhưng người đàn ông này vẫn đề nghị làm xét nghiệm với cả 2 mẫu để đảm bảo sự chắc chắn cho kết quả.
Đồng thời, anh cũng chuyển khoản gần như ngay lập tức số tiền cho việc xét nghiệm 2 mẫu trên. Hôm sau, vị khách này cũng gửi mẫu tóc và móng tay từ Quảng Bình ra trung tâm tại Hà Nội.
‘Kết quả xét nghiệm 2 mẫu giống hệt nhau và họ không phải là bố con. Tuy nhiên sau khi có kết quả, người đàn ông trên gọi điện yêu cầu đổi họ của người bố trong tờ giấy ghi kết quả. Anh nói rằng, do phía trung tâm ghi nhầm. Tôi trả lời: ‘Tôi sẽ kiểm tra nếu chúng tôi nhầm, chúng tôi sẽ xin lỗi và sửa lại. Nhưng nếu anh cung cấp nhầm thông tin, tôi sẽ không đổi’, bà Nga kể lại.
Sau đó, người này gọi điện lại, thừa nhận anh ta cung cấp sai nên đại diện Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền không đồng ý phương án sửa thông tin danh tính khách hàng.
Bà Nga cho biết trường hợp cố tình ghi sai tên, tráo mẫu xét nghiệm ADN hoặc thuyết phục kỹ thuật viên thay đổi kết quả không phải là hiếm.
Theo bà Nga, cách đây không lâu, một cặp đôi khác cũng từng căng thẳng trước cửa phòng xét nghiệm ADN.
Một người đàn ông đến xét nghiệm cùng mẫu của một đứa trẻ. Kết quả cho thấy họ không có quan hệ bố - con. Sau khi nhận kết quả, cả hai vợ chồng người đàn ông này cùng trở lại trung tâm. Tại đây người vợ liên tục khẳng định kết quả xét nghiệm không chính xác, người đàn ông và đứa trẻ là cha con.
Lần này họ yêu cầu trung tâm xét nghiệm lại lần thứ 2. Bà Nga khuyên cặp đôi trên nên suy nghĩ trước khi xét nghiệm bởi nếu việc cung cấp mẫu chính xác thì kết quả sẽ không thay đổi. Việc xét nghiệm lần 2 sẽ tốn kém.
Bà cũng nói thêm: ‘Sau 24h kể từ khi cung cấp mẫu nếu khách yêu cầu hủy, không làm sẽ không được hoàn trả tiền xét nghiệm bởi lúc đó chúng tôi đã tiến hành. Trong vòng 24 giờ, nếu hủy việc xét nghiệm cũng chỉ được hoàn trả 50% chi phí’.
Sau khi cung cấp mẫu và yêu cầu xét nghiệm, cặp đôi trên ra về. Tuy nhiên chỉ một lát sau tôi nhận được một cuộc gọi. Người phụ nữ lúc nãy cho biết chị đã biết kết quả họ không là cha con từ trước. Nhưng chị muốn trung tâm cho một kết quả khác bởi nếu phơi bày sự thật sẽ khiến cho mẹ con chị bơ vơ. Tất nhiên, yêu cầu này bị bà Nga từ chối.
30 phút sau cuộc điện thoại ấy, cặp đôi trên quay lại trung tâm và yêu cầu hủy kết quả. Họ chấp nhận mất 50% số tiền xét nghiệm. Theo đó, sau khi giấu giếm chồng gọi điện cho bà Nga nhưng không được như mong muốn, người vợ đành nói sự thật với chồng.
Chị thú nhận đứa trẻ không phải là con anh. Đó là kết quả của một mối tình với người đàn ông khác, khi chồng chị đi làm ăn xa.
Tương tự, đầu năm 2019, một người phụ nữ ở Nghệ An cũng gửi tới Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền mẫu tóc của một người đàn ông và con trai chị này để xét nghiệm. Kết quả cho thấy hai mẫu tóc trên lại là cùng của một người.
Người phụ nữ gọi điện cho rằng trung tâm xét nghiệm sai bởi chính tay chị ta lấy mẫu tóc của bố và con nên không thể nhầm lẫn.
‘Chúng tôi không ngạc nhiên khi kết quả xét nghiệm số tóc trên là cùng một người bởi chuyện tráo mẫu xảy ra không phải lần đầu.
Nhiều người suy nghĩ ấu trĩ muốn kết quả xét nghiệm cho ra mối quan hệ bố - con nên quá trình lấy mẫu đã làm việc gian dối. Họ lấy tóc của bố và của con. Nhưng sau đó vứt số tóc của bố đi và dùng số tóc của con tách làm 2, ghi trên mẫu là tóc bố và con.
Họ không ngờ rằng, kết quả xét nghiệm sẽ lật tẩy việc đó. Bởi ADN của mỗi người mỗi khác. ADN chỉ giống nhau ở trường hợp hai người sinh đôi cùng trứng.
Với những trường hợp gian dối như vậy kết quả không thể như ý, tiền mất tật mang. Người làm xét nghiệm mất tiền một cách vô ích và mang tiếng là lừa dối, sự việc càng thêm nặng nề’, bà Nga chia sẻ.