Biến chứng nguy hiểm khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn: Phòng bệnh sao?

Google News

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Liên tiếp phát hiện ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn
Ngày 14/3, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết, bệnh viện này vừa phát hiện và điều trị cho 2 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn.
Theo báo Hà Nội Mới, trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân Đ.T.D (51 tuổi, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm. Trung bình mỗi ngày, nam bệnh nhân này uống từ 300-500ml rượu. Sau một đêm ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn tại một đám cưới, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao từ 39-40 độ, rét run.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tụt huyết áp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc, viêm phổi.
Ngoài ra, kết quả cấy máu và dịch não tủy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn). Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ Đ.T.C (44 tuổi, ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm nghề giết mổ lợn. Bệnh nhân nhập viện vì giảm ý thức. Bệnh nhân cũng dương tính với vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân Đ.T.C đã qua cơn nguy kịch, thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.
Bien chung nguy hiem khi nhiem lien cau khuan lon: Phong benh sao?
 Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: hanoionline.vn.
Biến chứng nguy hiểm khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Theo Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết thêm, khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.
Bien chung nguy hiem khi nhiem lien cau khuan lon: Phong benh sao?-Hinh-2
Ảnh minh họa.  
Người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu).
Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng...Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.
Phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người như: Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
Người dân tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)