Trong cái nắng oi bức của mùa hè, một ngày cuối tháng 4, cụ ông tóc bạc, sức khỏe đã yếu cùng vợ đến TAND Hà Nội để xin ly hôn. Đây là phiên xét xử phúc thẩm khiến nhiều người không khỏi ái ngại bởi người chồng đã ở "bên kia dốc", còn người vợ cũng bước vào tuổi xế chiều, khó tìm cho mình hạnh phúc mới.
|
Ảnh minh họa. |
Theo nội dung bản án sơ thẩm, cách đây 35 năm, ông Nguyễn Văn Hòa (80 tuổi), một thầy giáo làng kết hôn với bà Nguyễn Thị Liên (64 tuổi). Mặc dù cách xa nhau 16 tuổi, họ vẫn sống hạnh phúc .
Nhưng hạnh phúc hôn nhân ấy bắt đầu xuất hiện những vết rạn khi mong muốn có mụn con tắt ngấm sau thông báo họ không thể có con của bác sỹ. Bị tước đoạt quyền làm mẹ thiêng liêng, người vợ nghĩ tới chuyện nhận con nuôi.
Không được ủng hộ, người phụ nữ không thể có con giấu chồng nhận nuôi một bé trai bụ bẫm. Khi con nuôi khôn lớn, năm 2011, bà đưa về sống cùng hai vợ chồng trong căn nhà ở quận Cầu Giấy. Ông không đồng ý chuyện này, khiến gia đình họ nảy sinh bất hòa. Không thể chung sống dưới một mái nhà, năm 2016, ông nộp đơn ra tòa xin được ly hôn vợ.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không đồng ý cho hai người ly hôn nên ông làm đơn kháng cáo. Có mặt tại tòa phúc thẩm, ông lão 80 tuổi cho biết hiện ông đã ra ngoài ở, không sống cùng nhà với vợ nữa, vì giữa họ có rất nhiều mâu thuẫn liên quan đến con trai nuôi và tài sản.
Theo trình bày của người chồng, ông và con trai nuôi của vợ không hợp nhau. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, ông bị con trai nuôi hành hung. Không phủ nhận lời tố của chồng, song người vợ bảo: “Ông phải như thế nào thì con mới làm thế. Ông đốt giường, đốt chăn chiếu của con”.
Thấy vậy, ông lão 80 tuổi quay sang đổ lỗi vợ có mong muốn chồng chết trước để chiếm đoạt tài sản. Nghe đến đó, người phụ nữ 64 tuổi phân bua bản thân không bao giờ có những ý nghĩ đó. Theo lời kể của bà Liên, hiện căn nhà cấp 4 mà gia đình họ đang sống đã xuống cấp, song bà không muốn xây mới vì sợ ông gặp chuyện không hay.
“Khi ông ấy muốn xây nhà, tôi bảo nhà mình có cái dớp, ông bố xây nhà một năm sau chết, cụ xây cũng vậy nên tôi sợ, không đồng ý. Vậy mà ông nói tôi muốn chồng chết trước để chiếm tài sản, sau đó gọi điện cho người thân bảo cho tôi ra khỏi nhà bằng hai bàn tay trắng”, bà Liên buồn bã nói.
Tiếp lời, người vợ khẳng định dù ở tuổi này song vẫn còn rất yêu thương chồng. Nói đến đó, bà lão 64 tuổi tự nhận mình là người đàn bà ngu ngốc, biết chồng như thế mà vẫn yêu thương. “Tôi chỉ muốn nói, sao lúc ông còn trẻ, ông vẫn còn giữ tôi, giờ ông về già tôi cũng đã già, thì ông lại tẩu tán hết tài sản của hai vợ chồng đi”, người vợ nói.
Khi được hỏi có phương án để khắc phục mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm để cùng chung sống một nhà thay vì hai người hai nơi như hiện nay không, bà lão 64 tuổi bảo không. Tuy nhiên, theo lời kể của người vợ, trước nay gia đình họ không có chuyện gì, ông ăn xong còn bưng mâm, bà gọt hoa quả, bê nước...
“Ông đi nói xấu tôi, nhưng người ta lại thương tôi lấy chồng già. Những câu nói của ông như muối xát vào ruột nhưng tôi vẫn chấp nhận. Tôi không bao giờ mong chồng chết trước tôi”, người vợ nghẹn ngào.
Nghe vậy, ông lão 80 tuổi bảo vợ đừng dùng nước mắt, ngoa ngôn để lấy lòng. “Bà cư xử với tôi không ra gì, chửi loạn cả lên. Bà chưa tổng hợp hết được mọi thứ bà đối xử với tôi”, người chồng bức xúc.
Nhận thấy giữa họ không thể cùng sống chung một nhà, sau khi nghị án, cấp phúc thẩm tuyên 2 người được ly hôn.