Có đến hàng trăm lí do để vợ chồng trẻ quyết định ly hôn. Nhưng chung quy lại là nguyên nhân tan vỡ hôn nhân có thể ở một trong hai người, hoặc cả hai không còn hi vọng để có thể níu kéo tình cảm.
Gia đình tan vỡ đồng nghĩa với việc những tấm ảnh cưới, nơi lưu giữ, minh chứng tình yêu trong ngày kết hôn cũng vì vậy mà không còn được treo ngay ngắn trên tường. Có người lấy xuống, bọc lại bằng hàng chục tờ báo rồi cất một cách cẩn thận. Nhưng cũng không ít người bức xúc, đốt cháy, vứt nó những tấm ảnh cưới từng trân trọng 1 thời vào bãi rác.
|
Ảnh minh họa. |
Châm lửa đốt ảnh cưới
Chị Phương Thảo (32 tuổi) chia sẻ, vì đám cưới của chị có đến 3 chiếc ảnh cỡ lớn, được đóng khung chắc chắn nên một tấm được đặt ở nhà bố mẹ đẻ còn 1 chiếc đặt ở phòng khách nhà chồng và phòng ngủ của 2 vợ chồng.
Trước khi ly hôn, chị đã đưa con về nhà bố mẹ đẻ, nhờ người thân gỡ tấm ảnh cưới xuống, bỏ phía sau tủ đựng quần áo cho đỡ “ngứa mắt”.
Sau khi ly hôn, bức xúc vì người chồng phụ bạc, ngoại tình, nhẫn tâm bỏ lại vợ và hai đứa con thơ đi với người đàn bà nên chị bức xúc, xóa hết hình ảnh của hai vợ chồng trên zalo, facebook, đốt hết những tấm ảnh hai người chụp chung khi đang yêu, khi cưới, ảnh gia đình. Nói chung là xóa hết tất cả những gì liên quan đến chồng cũ.
|
Ảnh minh họa. |
“Nghĩ người chồng bội bạc đó không nên lưu luyến nên tôi đã tháo khung, lấy ảnh cưới ra xé tan tành rồi châm lửa đốt. Còn chiếc khung tôi vẫn giữlại, mới đây ba mẹ con đã chụp chung một tấm ảnh thay thế ảnh cưới, treo lại ngay ngắn trên tường”, chị Thảo chia sẻ.
Còn ảnh cưới đằng nhà chồng cũ, chị cũng nhờ chị chồng tháo bỏ hết và đốt đi: "Không biết chị gái chồng có làm theo lời tôi nhờ cậy không. Nhưng tôi muốn xóa hết không dấu vết về người chồng phản bội này.
Ném ảnh cưới vào xe rác
Sau ly hôn, vì ảnh cưới liền khung, không thể tháo rời nên anh Ngọc Tuấn (30 tuổi) đã gỡ xuống, vứt vào xe đi gom rác. Nhìn chiếc ảnh cưới mới làm cách đây 3 năm, rất đẹp, rõ mặt hai vợ chồng diễu hành quanh phố khiến ai nấy nhìn vào đều lắc đầu, nối tiếc cho cuộc hôn nhân ngắn ngủi.
Anh Tuấn kể, hai vợ chồng ra trường, chưa xin được việc làm nhưng vẫn quyết định kết hôn. Khi con gái một tuổi, nghĩ hoàn cảnh vợ chồng khó khăn, anh Tuấn đồng ý vay mượn khắp nơi để có một số tiền lớn cho vợ có cơ hội xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc.
Vì thời đại học, vợ anh từng học chuyên ngành tiếng Hàn nên không phải mất tiền học, tiền thi cử mà cơ hội làm việc rất cao nên anh Tuấn chịu khó ở nhà chăm con để vợ đi xa kiếm tiền.
“Cô ấy đi được 3 năm, hết hạn hợp đồng nhưng không về nữa, cũng chẳng quan tâm gì đến con gái. Khi đó, tôi và gia đình mới bàng hoàng khi biết cô ta ăn ở với một người đàn ông khác bên Hàn. Không lâu sau thì tôi nhận được giấy triệu tập của tòa án để giải quyết việc vợ xin li hôn.
|
Ảnh minh họa. |
Sau ngày tòa chấp thuận li hôn, tôi rất bức xúc. Một ngày, sẵn xe gom rác đi qua, tôi đã gỡ luôn tấm ảnh cưới trong nhà ném ra xe rác”, anh Tuấn kể lại.
Giữ làm kỷ niệm
Chị Bảo Nguyên (35 tuổi) lại quyết định giữ lại tấm ảnh cưới sau ngày li hôn bằng cách gỡ xuống, bọc lại bằng hàng chục tờ báo rồi cất trên gác xép.
|
Ảnh minh họa. |
Chị cho biết sau 8 năm chung sống, có hai mặt con nhưng cả hai vợ chồng đều nhận ra cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Chung sống trong một mái nhà, ngồi chung mâm cơm, ngủ chung giường nhưng cả hai đều không hợp nhau, giận dỗi nhiều hơn quan tâm, nước mắt nhiều hơn tiếng cười, ngột ngạt, khó chịu. Sau nhiều năm chịu đựng nhau, họ quyết định chia tay trong yên lặng, nhẹ nhàng để cho mỗi người được tìm lối đi riêng.
Ly hôn, chị Nguyên nuôi đứa nhỏ, chồng chị nuôi đứa lớn. Hiện tại, chồng đã có gia đình mới nên chị Nguyên quyết định đưa đứa lớn về chăm sóc.
|
Ảnh minh họa. |
“Ảnh cưới tôi vẫn cất giữ cẩn thận trên gác xép. Dù sao nguyên nhân gia đình tan nát cũng không phải do lỗi của ai. Tôi cũng không chút oán hận chồng cũ nên muốn giữ lại tấm ảnh cưới để làm kỷ niệm về người đàn ông đã từng đi qua cuộc đời mình”, chị Nguyên tâm sự.