Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 30/6, TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy thẳng thẳn nhìn nhận: “Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế là có thật”. Hiện lượng thuốc, hóa chất trong Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu khám chữa bệnh.
Không chỉ một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng cho điều trị chuyên sâu, Bệnh viện Chợ Rẫy còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến, giá rẻ do không có nhà cung cấp hoặc do kế hoạch đấu thầu lại căn cứ vào nhu cầu của năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, những loại thuốc này ít được sử dụng.
|
Trong buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm hỏi một số bệnh nhân đang điều trị tại đây. Ảnh: Mạnh Hùng |
Gặp gỡ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy như bệnh nhân Đồng Phước A (Bình Thuận) điều trị suy thận mạn 2 năm cho biết mấy tháng nay ông phải tự mua dịch lọc do bệnh viện không có.
PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết thêm, trong nhiều nguyên nhân chuyển tuyến có cả nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị ở tuyến dưới.
Trong khi đó, quy trình đấu thầu (lập dự toán, kế hoạch, thẩm định, thực hiện đấu thầu), khó nhất là thẩm định giá, trước kia thuộc Bộ Y tế. Nhưng từ đầu năm 2020, thẩm định giá được giao cho các đơn vị y tế tự chủ động.
Các đơn vị gặp khó khăn trong việc xây dựng giá kế hoạch vì khó xác định giá: các đơn vị chào hàng đưa ra “dải tra cứu giá”; giá trung bình của bảo hiểm y tế; tham khảo giá trên thị trường, tra cứu thông tin kết quả đấu thầu; đưa thuốc, vật tư vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế; trách nhiệm xử lý khi xảy ra chênh lệch giá thuốc, vật tư y tế;…
Vì vậy, theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, nhiều đơn vị chưa quen, kèm với tâm lý sợ sai nên việc lập giá kế hoạch, thẩm định giá bị “đẩy qua, đẩy lại”.
Đại diện một số khoa, phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thêm “bác sĩ luôn cần thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tốt nhất, nhưng nhiều lúc bảo hiểm xã hội hay cơ quan thanh tra, giám sát chỉ căn cứ vào giá.”
Trước những thông tin đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu “phải kiến nghị những giải pháp dứt khoát để có thuốc cho dân”.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trước mắt, TS.BS Nguyễn Tri Thức kiến nghị cho phép kéo dài một khoảng thời gian phù hợp đối với những hợp đồng thuốc, vật tư y tế đã trúng thầu; quy định cụ thể những trường hợp cấp bách được chỉ định thầu.
Trao đổi thêm một số giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy có văn bản kiến nghị “càng cụ thể càng tốt” các giải pháp (cả căn cơ, lâu dài và cấp bách, trước mắt); góp ý vào dự thảo nghị quyết của của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đang được xây dựng.
Cùng ngày, tại cuộc làm việc, với lãnh đạo UBND TPHCM, Sở Y tế TP HCM về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ “Phải nhìn đúng vào sự thật, giải quyết tận gốc vấn đề này. Trên hết là cứu dân!”
Các bệnh viện, địa phương không chỉ nêu thực trạng mà cần kiến nghị giải pháp cụ thể, nhất là những gì cần làm ngay để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, dứt khoát phải có thuốc cho bệnh nhân.
Bộ Y tế cần có văn bản tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như điều chỉnh kế hoạch mua sắm theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch bệnh Covid-19, xây dựng giá kế hoạch, làm rõ khái niệm giá thị trường, tra cứu thông tin đấu thầu…
>>> Mời độc giả xem thêm video Khuyến cáo khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir: