Hôi, mốc…
Nhiều người cho rằng, những chiếc tủ đựng giày dép sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến môi trường sống của gia đình, nhưng thực tế lại chính là ổ vi khuẩn giấu mặt.
Theo BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105, lý do là vì giầy, dép đi ngoài đường, dẫm lên nhiều thứ bẩn thỉu. Khi bước chân vào nhà, chúng ta thường có thói quen tháo giầy, dép và cất ngay vào tủ. Điều này vô hình trung đưa luôn những thứ bụi bẩn, vi khuẩn từ ngoài vào trong nhà và om trong môi trường kín bí của tủ giầy. Đấy là chưa kể, thời gian này, mưa thu liên miên, giầy, dép dính nước vừa về đến nhà lại bị tống ngay vào tủ là cơ hội để vi khuẩn, nấm mốc phát triển nhanh.
Ngoài ra, trong tủ thường thường chứa rất nhiều giầy, dép. Nhiều người với tâm lý tiếc của, không đi đến nhưng cũng không muốn vứt, lại cộng thêm tủ đựng giày dép rộng rãi nên cứ tích vào rất dễ gây ẩm mốc, vi khuẩn. Đây là lý do tại sao, nhiều gia đình sở hữu những tủ giày to, đẹp, hiện đại nhưng vừa mở cửa tủ đã thấy mùi xộc thẳng vào mũi.
|
Ảnh minh họa. |
Chú ý kê, đặt đúng
Để tránh tủ đựng giày dép bốc mùi, gây hại sức khoẻ, theo BS Nguyễn Văn Hùng, tốt nhất là ngay từ cửa vào nhà nên để thảm, khi đi từ ngoài vào chúng ta cần có thói quen chùi giầy, dép lên thảm sau đó mới cất vào trong tủ. Đối với giầy, dép ướt mưa, ướt mồ hôi chân thì nên để bên ngoài cho khô hãy cất vào tủ. Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh tủ, lau chùi sạch sẽ các ngăn bên trong tủ và từng đôi giầy, dép, vừa tiện lợi khi sử dụng không phải lau chùi lại, vừa giúp thông thoáng môi trường bên trong tủ giầy, hạn chế tà khí và các vi sinh vật gây bệnh.
KS Phan Ngọc Sơn, Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế nội thất Hoàng Gia cũng lưu ý thêm đến khía cạnh kê, đặt tủ giầy, dép. Nhiều người có thói quen kê chỗ nào cho tiện, chứ không nghĩ đến việc kê sao để giảm thiếu nấm mốc, mùi hôi cho tủ. Tốt nhất nên để tủ giầy, dép gần lối ra, vừa thuận tiện lại vừa là nơi thông thoáng, giúp phân tán mùi hôi từ giầy, dép, nhất là khi vừa tháo ở chân ra vẫn còn mùi mồ hôi và hơi người.
Tủ giầy, dép cũng không nên đóng quá cao, chỉ tối đa khoảng 90cm – 1m là vừa; bởi nếu để quá cao, giầy, dép đi hằng ngày, vừa cởi ra đã xếp lên kệ, ở chỗ cao nhất sẽ khiến vô vàn vi khuẩn cộng với mùi hôi hám do giầy bị ẩm mốc, cùng mồ hôi con người và môi trường từ trên cao bay tỏa khắp nơi làm ô nhiễm không khí trong nhà. Trong trường hợp gia đình có nhiều giầy, dép bắt buộc phải làm tủ cao thì nên sử dụng các ngăn trên cao làm “kho” chứa những đôi ít đi đến, những đôi đi theo mùa sau khi đã vệ sinh sạch sẽ có thể bỏ hộp hoặc túi và cất trên ngăn cao có cánh tủ đóng kín.
Ngoài ra, khi thiết kế tủ để giầy, dép cần chú ý làm một vài ngăn hộc không có cánh tủ, bố trí ở các ngăn dưới cùng, để giầy, dép đi hằng ngày, hoặc những đôi đi mưa về bị ẩm ướt cần hong khô và sấy sạch. Trong sử dụng cũng cần chú ý lau dọn, vệ sinh tủ giầy, dép thường xuyên, sạch sẽ.
Quy trình vệ sinh tủ đựng giầy, dép:
- Bỏ giầy, dép trong tủ ra một nơi sạch sẽ.
- Lấy chổi quét qua, sau đó dùng giẻ sạch đã vắt khô nước lau lần lượt. Khi lau nhớ đeo khẩu trang và bao tay để tránh vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào cơ thể.
- Sắp đặt những đôi giầy ngăn nắp, không để chèn lên nhau. Những đôi ít sử dụng cho vào hộp và để lên ngăn cao, những đôi thường sử dụng để ở ngăn dưới.
KS Phan Ngọc Sơn