Theo thông tin đăng tải, cô Hạ ở Tương Tây, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), bị bệnh trĩ hành hạ vài năm và tái phát vào tháng 2 năm nay. Dựa trên kinh nghiệm trước đây, cô đã mua thuốc trị bệnh trĩ qua mạng nhưng không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, mắt trái của cô bị sưng lên, rất khó mở. Cho rằng mình không được nghỉ ngơi tốt, cô Hạ điều tiết lại sinh hoạt của mình thế nhưng tình trạng không cải thiện. Phải đến hơn nửa tháng trước, dịch tiết ở mắt trái ngày càng nhiều, thậm chí kèm theo mủ, thị lực bị mờ, cô mới vội vã đến bệnh viện để điều trị. Không ngờ, lần điều trị này, nhãn cầu mắt trái của cô lại bị khoét bỏ.
|
Cô Hạ trong thời gian điều trị tại bệnh viện. |
Theo cô Hạ, vài tháng trở lại đây, bệnh trĩ của cô nặng hơn, kèm theo đau quanh hậu môn và có máu trong phân. Uống thuốc như trước không đỡ còn nặng thêm, đồng thời mắt trái sưng tấy, khó chịu, khó mở. "Lúc đó tôi không nghĩ nhiều. Tôi nghĩ là do mình nghỉ ngơi không tốt, thức khuya khiến mắt khó chịu", cô Hạ nói.
Hơn nửa tháng trước, cô phát hiện mắt trái của mình tiết nhiều dịch, thậm chí kèm theo mủ, thị lực bị mờ nên vội vàng đến bệnh viện điều trị. Sau khi kiểm tra kỹ hơn, cô được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, viêm nội nhãn mắt trái dẫn đến thủng nhãn cầu và áp xe phổi. Sau khi điều trị chống nhiễm trùng tiêu chuẩn, cô phải tiến hành phẫu thuật khoét bỏ nhân nhãn cầu trái.
Ngày 19/4 vừa qua, cô Hạ xuất viện thuận lợi, nhìn lại trải nghiệm này, cô vô cùng hối hận: "Tôi không ngờ bệnh trĩ lại để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy, lẽ ra tôi nên đến bệnh viện điều trị sớm hơn".
Bác sĩ cho biết, căn cứ vào bệnh sử và kết hợp với kết quả thăm khám, bệnh áp xe mắt và áp xe phổi của cô Hạ xuất phát từ bệnh trĩ, là do sau khi bị trĩ tấn công, thành mạch máu giãn tĩnh mạch của trĩ nội bị vỡ ra và chảy máu, vi khuẩn sinh sôi, lan vào máu qua lỗ mở bị tổn thương gây nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn phát triển và nhân lên ở mắt và phổi gây áp xe mắt và áp xe phổi.
Các bác sĩ nhắc nhở rằng vi khuẩn, nấm, vi rút và ký sinh trùng có thể gây nhiễm trùng toàn thân và thậm chí nhiễm trùng huyết, như viêm nội nhãn, vỡ nhãn cầu và thậm chí mù lòa như của cô Hạ là tương đối hiếm.
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm trùng huyết, khi có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nghi ngờ nhiễm trùng, người bệnh nên đến bệnh viện chính quy để khám và được điều trị tích cực, đúng tiêu chuẩn để giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết. Không sử dụng thuốc một cách mù quáng mà nên đi khám và điều trị bệnh thường xuyên để tránh những hậu quả khó lường.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Sâu răng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não