Trước đó, bệnh nhân 22 (quốc tịch Anh) được điều trị tại Đà Nẵng từ ngày 8 đến ngày 27/3. Sau khi điều trị có kết quả âm tính, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, sau đó bay đến TP HCM để xuất cảnh vào ngày 11/4.
Với quy định tất cả hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn đều phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, bệnh nhân 22 được lấy mẫu vào ngày 10/4. Tối 12/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, chuyển mẫu đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xét nghiệm TPHCM khẳng định dương tính một lần nữa.
Tuy nhiên, lúc này, bệnh nhân 22 đã xuất cảnh.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tiếp cận khách sạn nơi lưu trú của ca bệnh để đưa 14 người tiếp xúc gần đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm; cách ly tại khách sạn và lấy mẫu xét nghiệm 3 nhân viên phục vụ; lấy mẫu xét nghiệm 34 khách lưu trú tại khách sạn. Ngoài ra, đã liên hệ hãng hàng không Vietnam Airlines để rà soát hành khách trên chuyến bay VN125.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng một số bệnh nhân tái dương tính với COVID-19 sau thời gian điều trị đã được xét nghiệm âm tính và xuất viện, đi các nơi tạo mối nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.
|
Một số bệnh nhân sau thời gian điều trị đã được xét nghiệm âm tính, sau xuất viện lại dương tính, đi các nơi tạo mối nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. |
Trước đó, hai bệnh nhân COVID-19 thứ 50 và 149 ở Quảng Ninh cũng từng phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 sau nhiều lần xét nghiệm âm tính.
Về tình trạng bệnh nhân "âm tính rồi dương tính trở lại", ông Nguyễn Trọng Diện - giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, đánh giá do COVID-19 là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi cơ thể khỏe mạnh, hàng rào miễn dịch được tăng cường, virus sẽ yếu đi và ngược lại, nếu cơ thể yếu đi, miễn dịch kém thì virus lại bùng lên.
"Chúng tôi đang theo dõi sát trường hợp bệnh nhân 50, bệnh nhân 149 và sẽ xét nghiệm sau mỗi 48 giờ đảm bảo thật cẩn trọng, tránh nguy cơ lây nhiễm trở lại", ông Diện cho biết.
Trao đổi với báo giới, các chuyên gia cho rằng bệnh nhân vẫn đang trong quá trình điều trị, chưa được công bố khỏi bệnh nên các kết quả xét nghiệm vẫn có thể thay đổi.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định cần thêm nghiên cứu để hiểu về quá trình đào thải virus SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục.
|
WHO thông báo cơ quan này sẽ nghiên cứu tình trạng một số bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh. |
WHO thông báo cơ quan này sẽ nghiên cứu tình trạng một số bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 11/4, đại diện WHO nói: "Chúng tôi biết về những báo cáo liên quan đến người có kết quả âm tính khi xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR nhưng sau đó vài ngày lại có kết quả dương tính trở lại".
Trước đó, các quan chức Hàn Quốc ngày 10/4 cho biết 91 bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi đã được xuất viện.
Ông Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), cho rằng virus có thể đã "tái kích hoạt" trong cơ thể bệnh nhân chứ không phải là những người này "tái nhiễm".
Theo hướng dẫn của WHO, một bệnh nhân chỉ được xuất viện sau hai lần liên tiếp cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 với hai thời điểm lấy mẫu cách nhau ít nhất 24 giờ. Phương pháp được sử dụng là xét nghiệm PCR giúp xác định RNA của virus tồn tại trong mẫu bệnh phẩm của người bệnh.
WHO cho biết cơ quan này cần có các nghiên cứu một cách có hệ thống trên các bệnh nhân được thông báo đã hồi phục để hiểu rõ hơn về việc họ đào thải "virus sống" trong thời gian bao lâu.
Trước khi có các báo cáo từ Hàn Quốc, tình trạng "tái dương tính" ở bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 cũng xuất hiện ở Trung Quốc.
Cuối tháng 3, báo South China Morning Post đưa tin khoảng 3%-10% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện lại cho kết quả xét nghiệm dương tính.
South China Morning Post ngày 7/4 cho biết trong một nhóm 175 bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19, gần 1/3 những người này không có lượng kháng thể trước SARS-CoV-2 thấp (thậm chí ở một vài người còn không có kháng thể), theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Nghiên cứu này dấy lên lo ngại về việc bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh có thể không hoàn toàn miễn nhiễm trước dịch bệnh này và có thể tạo ra nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.
Mời độc giả xem video "Hướng dẫn tự cách ly tại nhà để phòng dịch Covid-19". Nguồn: VTC Now.
Giải thích về tình trạng nhiều người được cho là tái nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, giáo sư Jin Dong-yan, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Không phải là những người này bị nhiễm bệnh lần thứ hai hoặc nhiễm bệnh dai dẳng”.
Đó là do các xét nghiệm đối với bệnh COVID-19 không được thực hiện đúng cách ngay từ đầu, ông Jin Dong-yan nhận định.
Các yếu tố khác nhau có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, bao gồm chất lượng của bộ dụng cụ xét nghiệm và cách thu thập cũng như lưu trữ mẫu xét nghiệm, chuyên gia Jin nói.
Theo tiêu chí xét nghiệm của Trung Quốc, mọi người có thể được xuất viện nếu nhiệt độ cơ thể bình thường trong 3 ngày, họ không có vấn đề về hô hấp và hình ảnh chụp CT cho thấy các tổn thương ở ngực đã được cải thiện đáng kể. Họ cũng phải có kết quả âm tính đối với virus SARS-CoV-2 trong hai xét nghiệm PCR liên tiếp cách nhau ít nhất một ngày. Xét nghiệm PCR giúp xác định một người có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.
Wang Chen, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc, hồi tháng 2 cho biết rằng chỉ có 30-50% số trường hợp được xác nhận có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong các xét nghiệm PCR và việc lấy mẫu dịch hầu họng có thể tạo ra nhiều kết quả âm tính giả.
Do đó, các cơ quan y tế Trung Quốc đã đề nghị kết hợp lịch sử dịch tễ, các biểu hiện lâm sàng và hình ảnh với xét nghiệm PCR trong chẩn đoán COVID-19.