Bệnh nhân 19 hồi phục kỳ diệu, phi công người Anh vẫn “khó lường”

Google News

(Kiến Thức) - Sau thời gian dài chống chọi với COVID-19, 3 lần ngừng tim, phải thở máy đến nay, bệnh nhân 19 (bác gái bệnh nhân 17) đã hồi phục kỳ diệu, có thể nói chuyện trở lại và đang tập đi. Tuy nhiên, bệnh nhân 91 vẫn rất nguy kịch.

Đến nay, bệnh nhân 19 là trường hợp có thời gian điều trị lâu nhất, bệnh nhân này đã trải qua hơn 2 tháng điều trị (bệnh nhân phát hiện mắc bệnh từ 7/3/2020). Trong quá trình điều trị, bệnh nhân 19 đã có nhiều lúc rơi vào nguy kịch tưởng như không thể qua khỏi, phải đặt ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu và từng trải qua 3 lần ngưng tim ngay sau khi không phải can thiệp ECMO nữa.
Tuy nhiên nhờ những nỗ lực của các y bác sĩ, và sự hỗ trợ, chia sẻ về chuyên môn của các chuyên gia trong tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân nặng thường xuyên nên bệnh nhân 19 đã hồi phục kỳ diệu, sức khỏe tiến triển tốt dần lên. Đến chiều 11/5, ca bệnh 19 đã có thể vẫy tay chào các y bác sĩ.
Benh nhan 19 hoi phuc ky dieu, phi cong nguoi Anh van “kho luong”
Bệnh nhân 19 đã có thể ngồi dậy. Ảnh: Viettimes. 
Chia sẻ với PV VietTimes, bệnh nhân 19 (bà L.T.H.) khẳng định: “Hiện, sức khỏe của tôi đã hồi phục được 70%. Tuy nhiên, cơ thể đôi lúc còn mệt vì khi bị bệnh tôi khó ăn. Các bác sỹ tại Bệnh viện đã không quản ngày đêm tận tình chăm sóc cho tôi. Tôi làm nội trợ nên không hiểu rõ về căn bệnh này và chỉ được nghe qua. Thực ra tôi không nghĩ rằng mình mắc bệnh. Khi đi khám tôi mới phát hiện mắc bệnh do lây từ cháu gái.”
“Khi mắc COVID-19, người tôi bình thường, không có biểu hiện gì, ăn uống vẫn ngon miệng. Sau mấy ngày, tự nhiên tỉnh dậy tôi thấy mình phải thở oxy. Lúc đó, tôi vẫn nhấc được tay, nhưng người rất yếu, không có sức. Tôi không biết mình bị hôn mê lúc nào, chỉ nhớ rằng trước đó vẫn đang xem tivi. Khi tỉnh dậy tôi thấy xung quanh người có rất nhiều máy móc. Lúc đó, tôi rất sợ và chưa hiểu tại sao lại bị như vậy. Sau đó, từ từ tôi mới hiểu bệnh mà mình mắc phải rất nguy hiểm. Có lẽ tôi không qua khỏi nếu không được bác sỹ giỏi chữa trị.” – bà H. chia sẻ.
Thời gian qua, với sự nỗ lực và quyết tâm của các y bác sĩ chăm sóc trực tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sự hỗ trợ và hội chẩn thường xuyên bằng phương án điều trị phù hợp của Hội đồng chuyên môn, của các chuyên gia, bệnh nhân 19 đã trải qua những ngày nguy kịch để chuyển sang tình trạng nặng và hồi phục tốt như hiện nay.
Hiện tại, bà H. đang hồi phục tốt nhưng vẫn còn yếu, chưa thể đi lại nên phải tập đi mỗi ngày.
Benh nhan 19 hoi phuc ky dieu, phi cong nguoi Anh van “kho luong”-Hinh-2
 Bệnh nhân được các bác sĩ dìu để tập đi lại bình thường. Ảnh: Viettimes.
Thời điểm này, bà H. chỉ trông mong đến ngày được ra viện vì gia đình bà ở quận 9, TP HCM, còn bà đã rời nhà ra Hà Nội từ 28 Tết. Các anh, chị em và chồng, con đang đợi bà về.
Đối với bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn 3 miền Bắc- Trung-Nam liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi và đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi;
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân 91 xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi).

Mời độc giả xem video "Tại sao bệnh nhân Covid-19 dương tính trở lại?". Nguồn: VTC Now.

Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, xong hiện giờ tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Sau 55 ngày điều trị, 36 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 17. Hiện bệnh nhân đang nằm yên/an thần và tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)