Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân COVID-19 nặng giờ ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Y tế cho biết, tính tới 6h00 ngày 20/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, đồng thời các bệnh nhân nặng như nam phi công người Anh cũng có sức khỏe tiến triển tốt.

Sáng 20/4, theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân thứ 91 nằm yên với thuốc an thần, sinh hiệu ổn, thở tốt. Bệnh nhân không bị chảy máu thêm, lượng nước tiểu tăng lên 2.000 ml/24 giờ và tiêu chảy 100 ml. 
Đặc biệt, kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng ngày 19/4 của bệnh nhân là phi công người Anh dương tính yếu trở lại sau một ngày âm tính với SARS-CoV-2, dịch rửa phế quản đã cho kết quả âm tính lần thứ 4.
Trong khi đó, bệnh nhân 19 hiện tỉnh táo, tiếp xúc được, không sốt; xét nghiệm lần gần đây nhất ngày 15/4 của bệnh nhân này cho kết quả âm tính lần 3 với SARS-CoV-2; bệnh nhân đã dừng vận mạch.
Ngoài ra, bệnh nhân 161 đang thở máy không xâm nhập, chức năng thận bình thường, gọi hỏi bệnh nhân đã giao tiếp chậm.
Tinh hinh suc khoe cua cac benh nhan COVID-19 nang gio ra sao?
Ảnh minh họa. 
Theo Bộ Y tế, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Nhờ vậy, các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.
Việt Nam là một trong 3 quốc gia trên thế giới có trên 200 trường hợp nhiễm COVID-19 trở lên chưa có trường hợp tử vong.
Hiện, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: là13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính là 7 ca.
Dù 4 ngày không có ca nhiễm mới nhưng Bộ Y tế kêu gọi người dân không được chủ quan. Ngành y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19, ở những địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp, người dân vẫn cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
Bộ Y tế khuyến cáo 10 biện pháp đơn giản phòng, chống dịch COVID-19
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 m.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.

Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)