Bệnh nhi Lương N A (8 tuổi, trú tại Huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng đau bụng âm ỉ, sốt.
Ngay lập tức bệnh nhi được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Kết quả CT scanner ổ bụng có hình ảnh dị vật xuyên thành hồi tràng vùng hố chậu phải. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng.
Các bác sĩ đã hội chẩn, kết luận chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ruột non và chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật.
|
Bé 8 tuổi thủng ruột do nuốt phải vật dụng nhà nào cũng có. |
Quá trình nội soi thăm dò ổ bụng xác định dị vật giống đầu nhọn của chiếc tăm tre dài khoảng 2,5 cm nằm ở cuối ruột non (đoạn hồi tràng sát manh tràng) đâm xuyên thủng thành ruột.
Ekip phẫu thuật do Bác sĩ CKI Nguyễn Thái Bình – Phó Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành gắp thành công chiếc tăm tre ra khỏi lòng ruột non an toàn, khâu lỗ thủng hồi tràng, lau rửa và đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau 3 ngày trẻ không còn đau bụng, trung đại tiện tốt, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thái Bình – Phó Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Dị vật đường tiêu hóa ở trẻ rất thường gặp. Đặc biệt những dị vật sắc nhọn như tăm tre ở ruột non, dạ dày rất khó để phân hủy và sẽ di chuyển theo chiều dài lòng ruột, có thể đâm thủng ống tiêu hóa và các cơ quan lân cận gây chảy máu, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng nhiễm độc ổ bụng, nhiễm trùng huyết… ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không can thiệp, phẫu thuật kịp thời”.
|
Các bác sĩ phẫu thuật lấy chiếc tăm trong bụng bệnh nhi. |
Đây không phải trường hợp đầu tiên nuốt phải tăm tre, cuối tháng 6 năm 2020, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân 49 tuổi nuốt phải tăm do thói quen ngậm tăm trong miệng, nhiều khi đi ngủ anh cũng ngậm tăm.
Một lần tình cờ anh vô tình nuốt chiếc tăm khi đang ngậm tăm. Cứ nghĩ sẽ không sao nên anh không lưu ý đến. Tuy nhiên sau 2 tuần, anh thấy đau bụng vùng hố chậu bên phải mới đến viện.
Đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ phát hiện một ổ áp xe vùng hố chậu phải. Đáng chú ý, một đầu tăm nằm trong thành bụng, một đầu nằm trong ruột non. Bằng các phương tiện siêu âm và chụp cắt lớp, các bác sĩ nhận định chiếc tăm đã xuyên qua thành ruột non, một đầu găm vào thành bụng và một đầu vẫn nằm trong lòng ruột; đặc biệt đầu ngoài chiếc tăm gây viêm ở thành bụng tạo thành ổ áp xe.
Các bác sĩ cảnh báo, thói quen ngậm tăm sau khi ăn của rất nhiều người có thể nguy hiểm nếu vô tình nuốt chiếc tăm vào ống tiêu hóa vì chất liệu tăm tre sẽ không thể bị phân hủy bởi men tiêu hóa nên khi di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột dễ gây nên nhiều biến chứng khó lường. Biến chứng nặng nhất có thể gây thủng ống tiêu hóa và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng về sau.
Qua trường hợp này, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, người lớn, trẻ nhỏ cần cẩn trọng khi sử dụng tăm xỉa răng. Nên thay đổi thói quen xỉa răng bằng tăm tre mà dùng chỉ nha khoa để tránh những trường hợp hi hữu nuốt phải tăm gây nguy hiểm cho người bệnh.
Các bậc phụ huynh nên vứt tăm đi ngay sau khi sử dụng, không ngậm trong miệng, nếu vô tình làm rơi vãi lúc trong nhà có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi nuốt phải.
Khi nuốt phải tăm hay bất cứ các dị vật nào khác, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để có thể được can thiệp, phẫu thuật gắp dị vật kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.