Health đưa tin ngày 17/9, bé gái 8 tuổi tên Avella Bauer ở bang Minnesota (Mỹ) đã phải nhập viện từ tháng 3/2021 vì mắc chứng rối loạn hiếm gặp sau khi nhiễm COVID-19. Cụ thể, Avella được chẩn đoán mắc bệnh viêm não tủy rải rác cấp tính (ADEM).
Chia sẻ trên NBC News, cô Lani, mẹ của Avella, cho biết Avella bị sốt nhẹ vào đầu tháng 3 và bé vẫn tới trường. Tuy nhiên, cô nhận được "hung tin" sau đó.
"Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ nhà trường nói rằng con gái tôi đang ngủ trong một căn phòng và tôi cần đến đón con về", Lani kể lại.
|
Một bé trai được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại trường Seneca ở Louisville, bang Kentucky (Mỹ), ngày 10/8. Ảnh: Reuters. |
Lani sau đó phát hiện con gái cô không có phản ứng nên vội đưa con đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành một số xét nghiệm, trong đó Avella có kết quả dương tính với COVID-19. Không chỉ vậy, Avella cũng được chẩn đoán mắc ADEM và phải nhập viện điều trị từ đó tới nay.
Hiện, Avella bị liệt.
ADEM là bệnh của hệ thần kinh trung ương với biểu hiện viêm cấp tính, mất myelin rải rác ở não và tủy sống. Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia (NINDS), người bệnh có thể gặp các triệu chứng đột ngột như sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, co giật, hôn mê.
ADEM có thể khiến người bệnh mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt, khó phối hợp các chuyển động cơ tự nguyện như đi bộ, và thậm chí bị liệt.
Theo NINDS, ADEM thường xảy ra sau khi người bệnh nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút, hoặc trong một số trường hợp hiếm hoi, tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị hoặc rubella.
GoFundMe - chiến dịch gây quỹ ủng hộ cho Avella - cho hay, bé gái bị tổn thương "trên diện rộng" đối với não và tủy sống.
"Thông thường, bệnh nhân ADEM có khoảng 70% cơ hội phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, trường hợp của Avella rất nghiêm trọng và phải một thời gian nữa mới biết được khả năng phục hồi của bé như thế nào", trang gây quỹ GoFundMe cho biết.
Giáo sư Thomas Russo, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo ở New York, nói với Health rằng khó có thể xác định chính xác nguyên nhân khiến bé Avella mắc ADEM. “Có thể là do COVID-19 gây ra, nhưng điều đó rất khó để chắc chắn một cách tuyệt đối", ông nói.
Nhiều chuyên gia khác đồng tình rằng mặc dù có khả năng COVID-19 liên quan đến ADEM, nhưng thật khó để biết chắc chắn.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói với Health: "ADEM có thể được gây ra bởi các bệnh nhiễm trùng khác nhau như cúm, vi rút viêm gan, vi rút gây bệnh đường hô hấp khác và vi khuẩn như mycoplasma".
"Tôi nghĩ rằng SARS-CoV-2 cũng có thể gây ra ADEM, nhưng dường như điều này hiếm khi xảy ra", Tiến sĩ Adalja nói tiếp.
Mời độc giả xem thêm video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới (Nguồn video: THĐT)
Dù ADEM là bệnh hiếm gặp, giáo sư Russo khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cảnh giác với COVID-19 và tuân thủ tất cả các biện pháp phòng dịch để bảo vệ cho bản thân và trẻ nhỏ, bao gồm cả việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Cô Lani cũng đang kêu gọi mọi người đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh.