Bé 13 tuổi nguy kịch do uống quá nhiều nước ngọt và bánh kẹo

Google News

Khi được đưa đến bệnh viện ở TP.HCM, bệnh nhi đã rơi vào tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt.

Tối 17/2, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhi 13 tuổi, quê Cà Mau.

"Gia đình bệnh nhi cho biết bé gái uống rất nhiều nước ngọt, có lúc bé uống 3-5 chai mỗi ngày. Bé cũng vô tư ăn nhiều loại bánh kẹo nên tăng cân rất nhanh. Sau Tết, bé liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều và sụt hơn 10 kg trong vòng 3 ngày", bác sĩ Vũ kể lại.

Các dấu hiệu bệnh lúc này còn mơ hồ nên gia đình chủ quan không đưa bé đi khám. Nhiều ngày sau đó, bé mệt dần và tiếp tục uống nhiều nước ngọt, bánh kẹo để hồi sức nhưng càng uống, cơ thể càng mệt.

Be 13 tuoi nguy kich do uong qua nhieu nuoc ngot va banh keo

Bệnh nhi qua cơn nguy kịch do biến chứng nặng của tiểu đường. Ảnh: BSCC.

Tối 14/2, gia đình phát hiện bé nằm vật vã, sau đó lơ mơ. Bệnh nhi được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm khiến các y bác sĩ bất ngờ khi bé bị nhiễm toan ceton máu rất cao do bệnh đái tháo đường.

"Nồng độ đường huyết ghi nhận lúc đó hơn 1.500 mg/dl, một con số rất cao, sẵn sàng gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường. Bé lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lúc nửa đêm trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt", bác sĩ Vũ nói.

Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, tiêm thuốc insulin đặc trị đái tháo đường. Đến sáng 17/2, bé gái tỉnh táo và hồi phục sức khỏe.

Hiện tại, bệnh nhi vượt qua được những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Tuy nhiên, thời gian tới, bé cần thay đổi chế độ ăn để kiểm soát căn bệnh này ở tuổi còn quá nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết đái tháo đường ở trẻ em hay tiểu đường là bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ chất đường.

Điều này dẫn đến hậu quả là nồng độ đường trong máu hay đường huyết (chính xác là glucose) vào buổi sáng chưa ăn, cao hơn mức bình thường từ 126 mg% trở lên.

Mức bình thường của đường huyết là 80-120 mg% (tương đương 80-120 mg/100 ml máu), trong nước tiểu bình thường không có glucose.

Biến chứng cấp thời ở trẻ mắc bệnh tiểu đường là hôn mê, nhiễm toan ceton máu. Lúc này, trẻ có biểu hiện rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê, thở nhanh, mất nước. Trẻ có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Về di chứng lâu dài, trẻ bị giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa, suy thận, chân lạnh, tím đỏ, loét, tổn thương thần kinh...

Theo Bích Huệ/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)