Với mốt thời trang phong cách Y2K thịnh hành, trào lưu gắn đá quý lên răng phổ biến từ những năm 1990 cũng quay trở lại và ngày càng phổ biến trên TikTok, theo SCMP.
Thay vì gắn toàn bộ hàm răng với kim cương và vàng giống các nghệ sĩ hip hop, rapper, người chơi thường chỉ gắn các viên đá quý nhỏ, làm điểm nhấn lên một số ít răng.
|
DIY Tooth Gem là trào lưu làm đẹp thịnh hành trên nền tảng video TikTok suốt nhiều tháng qua. Ảnh: Hailey Bieber.
|
Những người nổi tiếng như người mẫu Hailey Bieber và ca sĩ Rosalía, FKA Twigs, Drake và Katy Perry đã nhiệt tình lăng xê mốt làm đẹp này suốt 2 năm qua.
Đến khi Charli D’Amelio, cô gái có biệt danh “nữ hoàng TikTok” khoe những chiếc răng này trên kênh cá nhân, các Gen Z càng đổ xô bắt chước theo thần tượng.
Nguy cơ sâu răng, nhiễm trùng nướu
Đá quý được sử dụng thường là đồ trang nha khoa được đặt trên bề mặt của một hoặc một số răng với sự trợ giúp của vật liệu kết dính bán vĩnh viễn, với nhiều hình dạng và kích cỡ, màu sắc cho người chơi lựa chọn.
Theo Vogue, nha sĩ là chuyên gia duy nhất có khả năng thực hiện không làm hỏng men răng.
Ban đầu, nha sĩ sẽ làm răng trở nên thô ráp và dễ bám dính. Trong trường hợp này, loại gel kết dính được áp dụng để đính kim cương lên. Nếu được nha sĩ làm đúng cách, kim cương giả có thể giữ được khoảng 2 năm. Một số loại giá rẻ chỉ giữ trong vài ngày, còn loại thông thường rụng sau 6 tháng.
Tuy vậy, trên TikTok, hàng trăm video từ những người dùng cá nhân tuyên bố đã nắm vững kỹ thuật tự đính kim cương lên răng vẫn đều đặn xuất hiện trên nền tảng, đính kèm hashtag TikTok DIY Tooth Gem.
Ngoài ra, không hiếm những người có ảnh hưởng quảng cáo cho các bộ dụng cụ tại nhà, khẳng định Gen Z có thể mua về và làm theo hướng dẫn.
|
Thủ thuật làm đẹp này được khuyến cáo chỉ nên tìm đến các nha sĩ để thực hiện, thay vì tự làm. Ảnh: CNBC.
|
Các nha sĩ đã phải lên tiếng cảnh báo. Chất kết dính trong các bộ dụng cụ tự làm này có thể chứa các hóa chất nguy hiểm, dễ làm hỏng răng và nhiễm trùng, kích ứng nướu.
Chưa hết, nếu không được dính chặt vào men răng, các viên đá quý này nhiều khả năng bị rụng mà người gắn không thể nhận ra vì chúng quá nhỏ, dẫn đến việc nuốt vào bụng hoặc hít vào đường hô hấp.
“Ngay cả khi không rơi ra, việc các cạnh của viên đá quý không gắn chặt vào bề mặt răng hoặc nếu quy trình không được thực hiện đúng cách, thức ăn và vi khuẩn cũng sẽ bám vào dưới hoặc xung quanh, dẫn đến sâu răng”, Wesam Shafee, bác sĩ tại New Jersey chuyên về nha khoa thẩm mỹ, cho biết.
|
Một số cái tên nổi tiếng đi theo trào lưu gắn đá vào răng: Charli D’Amelio, Bella Hadid, Katy Perry. Ảnh: Insider.
|
Dù rủi ro đã được chỉ rõ, nhiều người trẻ vẫn bỏ qua vì ham rẻ. Để theo đuổi trào lưu làm đẹp cho răng này, khách hàng phải trả 2 loại tiền: chi phí gắn và chi phí đá quý.
“Thông thường, số tiền cần bỏ ra để nha sĩ thực hiện thủ thuật này là khoảng 200 USD. Còn với đá quý, giá có thể dao động 30-200 USD, tùy thuộc bạn chọn pha lê, kim cương hay vàng thật”, Shafee chỉ ra.
Trong khi đó, những bộ dụng cụ tại nhà có giá chỉ vài chục USD.
Tháng 7 năm ngoái, một bé gái 10 tuổi (bang Houston, Mỹ) được mẹ dẫn đến phòng nha để khám và làm vệ sinh răng miệng theo lịch trình 6 tháng/lần.
Khi các bác sĩ kiểm tra, họ phát hiện phần hàm trên của cô bé bị vết lở loét lớn, gây đau đớn. Sau khi gặng hỏi, bé gái thú nhận mình từng cố gắng bắt chước mốt gắn đá quý vào răng cho chiếc răng cửa bên phải, sau khi xem các video về chủ đề này trên TikTok.
Hình ảnh chụp lại cho thấy khu vực bị loét là một vết bỏng hóa chất do keo gây ra. Men răng cũng bị tổn thương do chất kết dính không đảm bảo an toàn.