Mấy ngày nay, báo chí Trung Quốc rầm rộ đưa tin vụ việc hai cha con bác sĩ Mã Lân ở Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) cùng con trai 6 tuổi nhảy lầu tự tử. Cái chết của họ khiến công chúng không khỏi bàng hoàng.
Bác sĩ Mã (sinh năm 1985) làm việc tại Khoa Y học chuyên sâu của Bệnh viện Y học Cổ truyền ở Nghi Xương. Từ những ngày dịch COVID-19 khởi phát cho đến nay, anh luôn xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.
|
Bác sĩ Mã trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh Sohu |
Vào tháng 2 năm nay, khi dịch bệnh đang trong thời kỳ bùng phát dữ dội ở tỉnh Hồ Bắc, báo chí địa phương từng khen ngợi bác sĩ Mã Lân là người làm việc hăng say, có chuyên môn rất cao, luôn được đồng nghiệp nể phục. Mỗi ngày, trong bộ quần áo bảo hộ nặng nề, anh có thể làm việc liên tục trong 6 giờ mà không ăn uống để thực hiện đặt nội khí quản, đặt máy thở và điều trị lọc máu cho bệnh nhân.
Trong suốt những ngày vất vả ở bệnh viện chống dịch, bác sĩ Mã chỉ có một mong ước đó là sớm được về nhà đoàn tụ với gia đình. Nhưng trớ trêu thay, sóng gió của cuộc đời anh không đến từ công việc chống dịch gian nan mà đến từ tâm lý bất ổn cùng những mâu thuẫn trong gia đình khi căng thẳng dịch COVID-19 tạm lắng.
Người ta xót cho số phận của một bác sĩ tài năng, xót cho đứa con trai mới 6 tuổi đã “phải” chết cùng bố. Cái chết tức tưởi của hai cha con khiến công chúng vừa thương vừa giận. Không có lời từ biệt cuối cùng nào, lan can bảo vệ trên tầng thượng khu chung cư cao hơn 1,5m, thật khó để tưởng tượng Mã Lân đã xoay xở thế nào khi nhảy xuống.
|
Hiện trường sau khi xảy ra vụ tự vẫn. Ảnh Sohu |
Vợ Mã Lân cũng là một bác sĩ, cô hiểu sự vất vả của nghề, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Khi báo chí đưa tin về mong ước của chồng là được về nhà đoàn tụ với vợ con, cô đã rất hạnh phúc. Người ta cũng biết, những giải thưởng mà bác sĩ Mã Lân có được cũng nhờ sự hậu thuẫn đắc lực của vợ. Sau khi biết về cái chết của con trai và chồng, vợ anh ngã quỵ. Cô đi lui đi tới trước cửa nhà một cách vô thức, khóc liên tục và luôn lẩm bẩm nói một mình.
Cô không thể ngờ, những tranh cãi mà cô cho là bình thường trong đời sống gia đình lại có thể gây hậu quả nặng nề đến như vậy. Có lẽ, cô đã vô tình quên mất rằng, những ngày đêm gồng mình nơi tuyến đầu chống dịch đã vắt kiệt sức chịu đựng của anh. Nghĩ đến đó, lòng cô lại càng đau đớn hơn.
Trước đó, vào ngày 27/4, một nữ bác sĩ họ Tô ở Hồ Nam cũng đã ôm con gái 5 tháng tuổi nhảy lầu tự tử. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chứng trầm cảm sau sinh.
Điều đáng nói là, cô Tô và chồng đều có học vị tiến sĩ. Nhưng đáng tiếc, dù đang ở độ tuổi chín chắn, dù có học vị cao nhưng một khi không đủ khoan dung, không đủ bình tĩnh để thoát khỏi vòng xoáy của mâu thuẫn gia đình thì kết cục vẫn là bi kịch.
Hai vụ tự tử liên tiếp của những người có địa vị và học thức cao khiến mọi người bàng hoàng. Ai cũng có thể rơi vào sự khủng hoảng tâm lý. Có người đủ bản lĩnh vượt qua, có người lại muốn tìm sự giải thoát ở một thế giới khác. Điều sau cùng còn lại, phải chăng là nỗi xót xa cho số phận những đứa trẻ phải sớm từ giã cuộc đời?