Tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Teo mật bẩm sinh lần 2 với chủ đề “Gia đình BA nối vòng tay lớn” tổ chức sáng 18.11 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bà Trần Kim Khánh lúc nào cũng nắm tay đứa cháu gái bé bỏng. Ngồi kế bên, cháu bà chăm chú theo dõi các chương trình đang diễn ra.
Trò chuyện với mọi người về hành trình điều trị bệnh teo mật bẩm sinh cho cháu, mắt bà Khánh đỏ hoe. Ai nghe bà chia sẻ cũng phải cũng phải cảm thấy xót xa, khâm phục về tình yêu thương thiêng liêng, cao cả bà dành cho cháu.
Bà Khánh cho hay khi con dâu sinh cháu gái được một tháng thì phát hiện cháu bị teo mật bẩm sinh. Biết bệnh tình của cháu cả nhà bà lao đao. Nhưng khi trấn tĩnh lại, mọi người động viên nhau đưa cháu vào viện để thăm khám.
|
Bà Khánh rơi nước mắt khi chia sẻ về hành trình 13 năm điều trị cho cháu nội. Ảnh: C.T |
Bà cũng từng cho cháu đi uống thuốc nam vì cảm thấy nản lòng. Đến khi cháu được 10 tháng tuổi, bụng to lên và da vàng như củ nghệ. Cháu bé phải nhập viện gấp. Được 14 tháng tuổi, cháu bé được ghép gan.
Không chỉ là người trực tiếp chăm sóc cháu nội tại bệnh viện, bà chính là người hiến gan của mình cho cháu.
“Khi quyết định lấy gan của mình ghép gan cho cháu tôi cũng đắn đo lắm, cũng sợ không biết có thành công hay không, lo ảnh hưởng đến sức khỏe”, bà Khánh tâm sự.
Được biết, chồng bà Khánh đã mất, để lại cho bà một người con trai duy nhất. Khi con trai lao vào nghiện ngập, bà cảm thấy cuộc sống này quá bi đát. Trò đùa số phận vẫn không buông tha, nên khi biết cháu nội bị bệnh, bà Khánh đau đớn thắt lòng.
Bà đã chấp nhận bán nhà, mua một căn nhà nhỏ rẻ hơn, số tiền còn lại dồn cả để chữa bệnh cho cháu. Bởi bà và con dâu xác định, chữa bệnh cho cháu là chữa suốt đời.
Có lần chăm cháu, bà Khánh bộc bạch với bác sĩ rằng: “Kể cả đổi mạng tôi mà cho cháu được thì tôi cũng đồng ý”. Cũng may, ca ghép gan thành công. Sức khỏe của mấy năm nay cũng cải thiện hơn nhiều.
Hiện cháu gái bà Khánh đã được 13 tuổi. Hai năm gần đây, cháu bà ít phải vào viện hơn.
Ở tuổi gần đất xa trời, bà chỉ có một mong ước cháy bỏng, đó là sức khỏe cháu được ổn định.
Với bản thân, bà không mong an nhàn, giàu sang. Bà chỉ xin ông trời phú cho bà sức khỏe để được chăm sóc cháu lâu dài hơn.
Gần 300 đứa trẻ bị teo mật bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là gần 300 mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau.
Họ trở thành một “gia đình teo mật bẩm sinh”, cùng nhau kết nối lại để hỗ trợ, truyền cho nhau kiến thức điều trị và chăm sóc con sau phẫu thuật cũng như động lực chiến đấu với bệnh tật.
Bởi ngay cả khi được phẫu thuật thành công, cuộc chiến với bệnh tật của các bệnh nhi teo mật cũng kéo dài đến hết cả cuộc đời đứa trẻ.
Ngày đêm đồng hành với các bệnh nhi, TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, BV Nhi Trung ương đã xúc động bày tỏ: "Tuy cuộc chiến với bệnh tật của các con diễn ra đầy cam go và vất vả nhưng chúng tôi, các y bác sĩ của khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương và các gia đình bệnh nhân Teo mật bẩm sinh luôn tự hào vì sự kiên cường và đáng yêu của các con. Đối với chúng tôi, các con luôn là những chiến binh dũng cảm nhất".