Chào chuyên gia!
Em năm nay 20 tuổi, đang học đại học năm 2, gia đình em ở Sài Gòn. Bạn trai em 27 tuổi, là sĩ quan quân đội, công tác ở Sài Gòn nhưng gia đình anh ấy ở ngoài Hà Nội. Chúng em yêu nhau hơn nửa năm, dự tính 1 năm sau khi em ra trường thì cưới.
Nhưng gia đình anh ấy lại bắt anh ấy cưới sớm vào năm sau. Chúng em có cãi vã về vấn đề này, ban đầu anh ấy nói anh ấy sẽ bàn lại với bố mẹ, đợi em 3 năm, nhưng bố mẹ càng giục hơn nữa, muốn anh cưới trong năm sau.
|
Ảnh minh họa. |
Hiện tại, anh ấy muốn ra quân, bố mẹ biết tin thì bắt anh ấy về Hà Nội để tiếp tục làm việc, không cho anh ra quân, tháng 10 năm nay anh sẽ về Hà Nội. Anh ấy bảo em nếu bây giờ có em có thai thì anh ấy mới có thể ở lại bên cạnh em và cưới em, còn không thì anh ấy nghe theo lời bố mẹ. Em không muốn chia tay anh ấy nhưng anh ấy đã 3 lần chủ động chia tay em rồi chủ động quay lại, hỏi em có thể cưới sớm không.
Em cũng muốn đồng ý không muốn làm khó anh, nhưng bố mẹ em không chấp nhận chuyện em kết hôn khi quá trẻ, vả lại điều kiện nhà em không mấy khá giả, em trai vừa vào cấp 2, em bảo anh đợi em 3 năm khi em trai của em vào cấp 3 thì có thể cưới, và anh cũng chấp nhận. Nhưng đến lần thứ 3 anh chia tay em thì anh chỉ nói xin lỗi em.
Theo như em quan sát, qua lời của đồng nghiệp và cả bạn bè thì anh là người tử tế, biết lo nghĩ cho gia đình, và chung thủy, với lại, tình cảm em dành cho anh ấy rất nhiều, em đã cố gắng mọi thứ để anh không phải khó xử giữa em và gia đình anh. Em có nên cố gắng níu kéo mối quan hệ này không? Bởi vì em không chấp nhận vì lí do gia đình mà chia tay dù vẫn còn yêu nhau? Nhưng em cũng có nghi ngờ về những lí do mà anh nói với em, dù sao đó cũng là qua lời anh nói chứ không phải em được biết trực tiếp từ gia đình anh, hay từ ai khác.
Em cũng không thể liên lạc với anh chị của anh để mà hỏi về vấn đề ấy được. Người ta có câu: "Nếu muốn người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn người ta sẽ tìm lí do". Em nhận được rất nhiều lí do khác nhau khi anh nói lời chia tay. Anh cũng từng bảo: “anh không biết phải làm gì, khi mà một nửa muốn theo em, một nửa muốn theo ý bố mẹ”. Nhưng sau đó, anh đã cắt liên lạc và xin lỗi em.
Em thật sự không biết phải làm gì nữa?
Em thân mến!
Gia đình là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người. Nhưng người mình yêu cũng không phải là người dễ dàng có được. Họ phải là người chấp nhận đi cùng, hi sinh và yêu thương ta. Khi gia đình phản đối, có nghĩa là hai bên quan trọng với ta và ta yêu thương nhất có những mâu thuẫn khó hóa giải. Hôn nhân là chuyện của cả cuộc đời con người, không thể vì một vài lời nói, một vài định kiến mà chấp nhận buông bỏ. Và ngược lại, cũng không nên vì chuyện tình yêu mà chấp nhận quay lưng lại với gia đình. Điều quan trọng mà mỗi người nên làm được là phải cân bằng, làm sao cho vẹn cả đôi đường.
Nếu em cảm thấy cả hai còn tình cảm với nhau và em mong muốn cho tình yêu của mình một cơ hội thì có thể bằng cách nào đó liên lạc với anh ấy để cả hai lắng nghe nhau về vấn đề này. Cả hai em nên nói chuyện nghiêm túc về kế hoạch tương lai của hai em. Và có lẽ em cũng nên thuận theo ý của gia đình em để em tiếp tục học tiếp và đợi em chín chắn hơn. Nếu anh ấy nhìn thấy tương lai của em cũng có nghĩa là anh ấy nhìn thấy tương lai của mình thì niềm tin và sức chịu đựng của anh ấy đối với sự thúc giục của gia đình sẽ được tăng lên và anh ấy sẽ có cơ sở để giải thích với gia đình về lý do tại sao anh ấy kiên quyết chọn em chứ không phải người phụ nữ nào khác.
Hơn nữa, việc cả hai em cố gắng vì tương lai, đưa ra một họach định rõ ràng thì có thể thấy được là 1 – 2 năm không quá dài để cả hai cùng cố gắng. Cũng có rất nhiều người đàn ông xây dựng gia đình ở ngoài độ tuổi 30, khi đó họ trưởng thành cả về suy nghĩ và thành công trong sự nghiệp. Hôn nhân không thể một sớm một chiều mà lấy đại một người. Nếu bố mẹ anh ấy hiểu được điều đó thì chắc hẳn sẽ không thúc ép anh ấy quá nữa. Những người làm cha mà mẹ luôn lo lắng cho tương lai của con cái nên có thể có những phản ứng gay gắt như vậy, chính vì thế trong lúc khó khăn này hai em càng cần vững vàng bên nhau thể hiện được quyết tâm, tình yêu, bản thân em cũng cố gắng để gia đình hai bên thấy được nỗ lực của bản thân, sự độc lập chín chắn trong suy nghĩ, và chắc chắn không bố mẹ nào lại muốn con từ bỏ hạnh phúc đích thực của mình đâu em ạ.
Còn nếu trong trường hợp anh ấy đã cắt đứt mọi liên lạc với em, quay về và chấp nhận những mong muốn của bố mẹ anh ấy thì em cũng cần tôn trọng sự lựa chọn của họ. Đúng như mọi người nhận định: “Nếu muốn người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn người ta sẽ tìm lí do”. Một người đàn ông hướng về gia đình, tôn trọng và nghe lời bố mẹ là điều tốt. Tuy nhiên, nghe lời đến mức thái quá, đến mức tuân lệnh mọi lời nói và chỉ dẫn của bố mẹ lại nảy sinh ra nhiều vấn đề. Một người đàn ông không có chính kiến, không biết bảo vệ người mình yêu, dễ dàng chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu làm hài lòng bố mẹ thì liệu rằng họ đặt em ở vị trí nào trong cuộc đời của họ
Em hãy cân nhắc thật kỹ khi đối diện với những hoàn cảnh như thế này. Một người đàn ông không thể bảo vệ em, sẵn sàng chia tay vì bố mẹ có những lý do không chính đáng, đó có thể không phải là người em cần tìm. Hôn nhân là chuyện của cả đời và là chuyện của cả gia đình. Em không thể tự một mình mình cố gắng, nhưng em có thể tôn trọng quyết định của anh ấy cũng là tôn trọng bản thân mình. Em hãy cứ mở lòng với sự nghiệp đang còn dang dở, trân trọng những gì mình đang có, phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi phía trước với một người yêu em nhiều hơn, phù hợp với em hơn.
Chúc em mọi điều tốt đẹp nhất!