Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân là chị L.T.D. (19 tuổi, ở Bạc Liêu) bị mệt mỏi, khó thở, bụng to bất thường từ nhiều năm.
Theo lời kể, từ lúc mới sinh chị ra, bụng chị D. đã to hơn bình thường, sau đó, tay trái, chân trái cũng phù to. Đến 8 tuổi, chị D. được gia đình đưa đi bệnh viện thăm khám và được cắt bướu buồng trứng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bụng cô gái vẫn tiếp tục lớn lên, gia đình có đưa đi thăm khám nhiều nơi nhưng bệnh viện từ chối điều trị vì lý do mắc bệnh bẩm sinh.
Hơn một năm nay bụng chị to đến mức chị luôn phải ngồi sấp ngủ, người cúi xuống, hai tay úp lên thành giường.
Cách đây 3 tháng, vòng bụng bệnh nhân to đến 120cm, người mệt mỏi, khó thở do bướu chèn ép tim, phổi, nên chị D. được gia đình đưa đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị.
|
40 lít nước trong bụng khiến cô gái như một người mang bầu. |
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị D. bị tràn dịch dưỡng chất bẩm sinh. Kết quả chụp CT bụng cho thấy trong bụng bệnh nhân toàn nước, từ 40-50 lít nước.
Bên cạnh đó, tử cung, buồng trứng, thận, gan, lách… của bệnh nhân đều bình thường, nhưng D. có một khối bướu khoảng 3x5cm dọc theo cột sống. Đây là bướu sau phúc mạc bẩm sinh.
Bệnh viện đã mời thêm các chuyên gia của Bệnh viện Bình Dân cùng hội chẩn cũng như gửi thông tin đến các Trung tâm điều trị ở Mỹ để tìm cách điều trị. Các bác sĩ đều ghi nhận đây là một trường hợp bệnh hiếm gặp, theo y văn thế giới ghi nhận chỉ mới có 10 ca tương tự. Nếu không phẫu thuật, dịch ổ bụng nhiều sẽ dẫn tới chèn ép tim, phổi, nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, ngay những ngày đầu bệnh nhân nhập viện, bác sĩ đã dùng kim hút dịch liên tục 10 ngày, mỗi ngày khoảng 2 lít nước. Ngày 24/7, ê-kíp bác sĩ đã phẫu thuật để lấy hết khoảng 20 lít nước còn lại và khối bướu ra khỏi bệnh nhân
Hiện, bệnh nhân được chăm sóc theo dõi và đợi kết quả sinh thiết khối bướu để tính toán hướng điều trị tiếp. Bác sĩ dự đoán bệnh nhân có thể phải điều trị nội khoa tiếp tục với thời gian dài.