GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Vừng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất béo (béo thực vật - không chứa cholesterol), đặc biệt là giàu omega 3 và omega 6, là những loại axit béo thiết yếu mà cơ thể không tạo ra được. Loại chất béo này có nhiều tác dụng như tạo năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo gồm vitamin A, D, E, K, đặc biệt là tác dụng bảo vệ tim mạch trước nguy cơ tổn thương do lão hóa, bệnh lý thoái hóa, giảm khả năng xơ vữa mạch máu và thiếu máu cơ tim.
Trong vừng cũng có chứa chất đạm, nhiều loại vitamin, giàu khoáng chất như canxi, phospho, magiê... Có lẽ chính vì thế mà hiện nay người ta hay dùng vừng để thay thế các thực phẩm khác và dùng để chữa bệnh, trong đó có chữa bệnh tiểu đường. Điều này hoàn toàn không nên và không đúng vì tác dụng chữa bệnh thì chưa được chứng minh, còn về mặt dinh dưỡng là không đảm bảo.
Bởi trong vừng chứa rất ít chất bột đường, gần như không có, trong khi nhu cầu dinh dưỡng ở người bình thường hay ăn kiêng để kết hợp điều trị như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, xơ vữa... thì vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm cơ bản: chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, nước, chất xơ...
Hơn nữa, xét về mặt năng lượng tính trên 100g thực phẩm thì vừng giàu năng lượng gấp 2 lần cơm nhưng thiếu hẳn nhóm cung cấp đường và tỷ lệ chất béo quá cao.
Vì vậy, chỉ nên dùng vừng để cung cấp thêm dưỡng chất cũng như tăng cường nguồn năng lượng từ chất béo cho bữa ăn chứ không nên ăn vừng thay cơm. Dùng quá nhiều vừng cũng không có lợi cho sức khoẻ.