Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy vì ăn các loại hải sản tươi sống.
Nguyên nhân là bởi nhiều tin đồn truyền tai nhau cho rằng, những loài hải sản như hàu, sò huyết, tôm… chỉ ăn sống, tái mới phát huy hiệu quả; trong đó giúp tăng sinh lực của “phái mạnh”. Do đó, phong trào ăn gỏi các loại hải sản như hàu, sò huyết, tôm, bạch tuộc… vẫn phát triển rầm rộ.
Tại các bữa tiệc buffer hay trên bàn nhậu, món ăn tái, gỏi các loại thủy hải sản là món ăn cao cấp, được nhiều quý ông ưa chuộng. Đặc biệt, món hàu sống ướp đá ăn cùng với mù tạt, chanh được ưu ái nhất bởi vì thông tin ăn hàu sống sẽ giúp tăng cường sinh lực phòng the.
|
Trên các bàn tiệc cao cấp, món hàu ướp đá được các quý ông ưa chuộng |
BS Nguyên cho hay, các loại hải sản giàu đạm thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn càng cao. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn, ôi thiu hơn nếu không được bảo quản, chế biến cẩn thận sẽ dễ đến ngộ độc, chứ chưa nói đến ăn hải sản tươi sống.
“Trong tất cả các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn vibrio para haemolyticus có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến. Khi ăn phải những thực phẩm này mà nấu không chín thì sẽ bị tiêu chảy ồ ạt”, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
|
Ăn hải sản tươi sống là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy |
Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, trong gỏi cá đã chế biến (trộn với đủ loại gia vị: giấm, mẻ, riềng, lá mơ) và đưa vào sử dụng, ấu trùng sán lá gan còn sống đến 95%, cua nướng đến vàng vỏ thì ấu trùng sán lá phổi vẫn còn tới 65%, và với cua nướng cháy vỏ ấu trùng này vẫn còn sống 23,3%.
Các loài nhuyễn thể như hàu, nghêu, sò, ốc, hến... vốn chất chứa nhiều độc tố (để tự phòng vệ) các kim loại nặng nên rất dễ gây ngộ độc hoặc tích tụ trong cơ thể người, nặng thì có thể gây xuất huyết ở niêm mạc dạ dày hoặc ruột...
Ngoài ra, các nhuyễn thể và cá, tôm cũng thường có các loại vi khuẩn như trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, xoắn khuẩn, trực khuẩn E.Coli, khuẩn tả...
Tôm sống còn mang ấu trùng sán lá phổi, khi trưởng thành sẽ đi từ ruột, xuyên qua cơ hoành lên phổi, gây viêm phế quản, đau ngực, ho ra máu...
Chính vì vậy, bổ dưỡng chưa thấy đâu, không ít người sau ăn hải sản đã có các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mất nước, tụt huyết áp… Những trường hợp nặng, phải nhập viện điều trị, để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc dẫn đến tử vong.
|
Hải sản cần được chế biến sạch sẽ, nấu chín |
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Lâm - Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, nhiều nghiên cứu về các loại thủy hải sản sống ở các vùng ven biển, cửa biển cho thấy có thể nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có sán. Vì thế, TS Lâm đưa ra lời khuyên, người dân nên ăn hàu, hải sản đã nấu chín với mục đích vừa phòng tiêu chảy, vừa vẫn bồi bổ, tốt cho cơ thể.