Chế biến rau quá lâu
Nhiều gia đình có thói quen nấu rau thật kỹ mà không biết rằng, điều này vô tình sẽ khiến rau mất hết các vi chất, đặc biệt là vitamin B1, vitamin C và muối khoáng.
Thậm chí, với một số loại rau lá thẫm màu chứa nhiều nitrat, việc chế biến quá lâu có thể khiến nó biến thành nitrit, dễ dàng dẫn đến ngộ độc, đặc biệt là ở trẻ em.
Với các loại rau đông lạnh lại càng không nên nấu quá lâu, nếu không sẽ làm mất đi khá nhiều dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia, tốt nhất nên chế biến với lửa lớn, nấu rau vừa chín tới để đảm bảo màu sắc lẫn độ tươi ngon.
Ngoài ra, các bà nội trợ cũng cần bỏ thói quen ngâm rau sau khi tắt bếp, bởi việc làm này sẽ giảm lượng lớn chất dinh dưỡng vốn có ban đầu. Vì vậy tốt nhất là nên "đánh chén" ngay khi vừa chế biến xong.
Cắt, thái rau trước khi rửa
Tưởng chừng đây là việc làm đúng nhưng trên thực tế, nó lại hại hơn bạn tưởng.
Lý giải cho trường hợp này, vì một số loại vitamin và khoáng chất tồn tại trong rau củ dưới dạng nước nên khi bị cắt nhỏ sẽ càng dễ hòa tan. Từ đó vô tình khiến các chất dinh dưỡng bị thâm hụt.
Ảnh minh họa
Để đảm bảo chất lượng của rau, tốt nhất bạn chỉ nên cắt bỏ phần gốc hay những phần bị hỏng. Sau đó, rửa chúng thật sạch dưới nước rồi mới tới bước cắt, thái theo ý muốn.
Việc sơ chế rau xong mà không nấu ngay cũng khiến cho lượng vitamin thất thoát khá lớn qua quá trình bốc hơi nước. Bởi vậy, hãy chế biến càng sớm càng tốt.
Bỏ đi những phần giàu chất dinh dưỡng
Đây có lẽ là một sai lầm phổ biến nhất của nhiều bà nội trợ. Nhiều người cho rằng, vỏ rau củ thường là phần tiếp xúc với đất bẩn, thuốc trừ sâu,… nên cần phải loại bỏ để tránh hấp thụ vào cơ thể.
Tuy nhiên, ở vỏ một số loại rau củ lại chứa nhiều vitamin hơn cả phần thân và lá như bí đỏ, cà rốt, củ cải...
Từ buổi sau vào bếp, loại trừ những loại củ có vỏ cứng, khó nấu chín mềm thì bạn chỉ cần rửa thật sạch chúng trước khi chế biến là được.
Rửa rau không kỹ
Nhiều người cho rằng, chỉ cần rửa rau từ 2-3 lần nước là đã đủ sạch, thế nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường không thể thấy hết vi khuẩn cũng như các loại hóa chất còn sót lại.
Thói quen rửa rau qua loa về lâu dài sẽ dẫn đến tồn đọng dư lượng hóa chất trong cơ thể. Thậm chí có thể gây ra các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy,…
Ngoài ra, một sai lầm tai hại khác là ngâm rửa rau với muối hột. Điều này không giúp diệt được giun sán như hầu hết chúng ta vẫn nghĩ. Ngược lại, ngâm rau trong thời gian dài từ 15 phút trở lên cũng có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng ban đầu của rau.
Lưu trữ rau đã nấu chín qua đêm
Nhiều người có thói quen nấu chín rau sẵn từ tối hôm trước để chuẩn bị mang đi làm cho ngày hôm sau, hoặc chế biến sẵn cho nhiều bữa ăn trong tuần, thế nhưng đây lại là việc làm không tốt chút nào.
Lý do là bởi, trong rau đã nấu chín tồn tại lượng nitrat khá lớn. Sau một thời gian, vi khuẩn sẽ phát triển và phân giải lượng nitrat này thành nitrit, một chất gây ung thư.
Chưa kể tới việc hâm nóng đồ ăn lại nhiều lần cũng không thể loại bỏ được loại chất độc hại này. Hơn nữa còn khiến hàm lượng dưỡng chất chỉ còn lại 10-20%.
Thói quen ăn rau đều đặn đem lại rất nhiều lợi ích, thế nhưng ăn sao cho đúng cách để không phản tác dụng cũng rất qua trọng đấy nhé!