1. Cẩn trọng với thức ăn đường phố
Những hàng quán, xe đẩy được trang trí, bày biện bắt mắt cùng mùi thơm nức sẽ khiến bạn tò mò muốn khám phá, nếm thử hương vị của từng món ăn. Tuy nhiên, ẩm thực đường phố đa phần không đảm bảo vệ sinh, nhiều thực phẩm không tươi, không rõ nguồn gốc, có thể là hàng tồn từ nhiều ngày trước, do vậy khi ăn sẽ dễ dẫn đến đau bụng, khó tiêu, ngộ độc.
Không nên ăn các món tái, sống như hải sản, thịt bò, các loại gỏi từ cá sống. Hạn chế việc sử dụng các loại salad, rau sống, vì rau không được rửa sạch sẽ, dễ nhiễm khuẩn, tồn dư thuốc trừ sâu, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
|
Ẩm thực đường phố không đảm bảo vệ sinh sẽ dễ dẫn đến đau bụng, khó tiêu, ngộ độc |
Thực phẩm đã chế biến tiếp xúc với không khí, trong điều kiện nhiệt độ bình thường trong vòng 2 giờ đã có thể biến chất dinh dưỡng. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, bụi khói từ môi trường có thể khiến thức ăn nhiễm vi sinh vật và gây ngộ độc khi ăn phải
2. Hạn chế nước đá
Khi đến một nơi lạ, tại các điểm du lịch, bạn nên chọn những loại nước khoáng, nước đóng chai có thương hiệu để sử dụng. Tuyệt đối không dùng nước uống trực tiếp từ vòi, vì bạn sẽ không biết được rõ nguồn nước tại nơi đó có đảm bảo an toàn hay không. Hạn chế dùng các loại nước giải khát được pha chế tại quán. Đặc biệt hạn chế nước đá - một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu.
3. Không nên thử những món quá độc và lạ
Ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch có thể xảy ra khi bạn thử những món ăn độc và lạ. Tránh xa những món ăn mà bản thân thực phẩm đó nếu không được chế biến cẩn thận sẽ là một nguồn thực phẩm không an toàn cho bạn. Ví dụ như cóc, cá nóc, rắn độc, đẻn, khoai mì cao sản, một số loại nấm lạ…
4. Chú ý cơ địa dị ứng
Nếu bạn là người có cơ địa dị ứng, hoặc có bệnh lý cần kiêng khem đặc biệt, tốt nhất nên chuẩn bị sẵn thuốc kháng dị ứng trước khi quyết định khám phá món lạ. Sốc phản vệ do thức ăn hiếm xảy ra, nhưng hiếm không phải là không có, mà khi đã xảy ra thì hậu quả thường không lường được.
|
Đau bụng buồn nôn là một trong những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm |
5. Tham khảo ý kiến của người bản địa
Người dân địa phương sẽ nắm rõ những địa điểm vui chơi, ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh, tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, bạn hãy tham khảo một số bạn bè từng đến nơi này, hoặc chính người dân ở đó để cho mình một sự lựa chọn đúng đắn khi ăn uống, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình trong chuyến du lịch.
6. Giữ đôi tay luôn sạch sẽ
Hãy rửa tay thường xuyên hơn khi bạn đi du lịch. Nhớ rửa kỹ bằng xà phòng hoặc bạn có thể mang theo một chai rửa tay sát khuẩn không cần nước. Đôi tay bạn có thể là vật lây truyền các chất gây bệnh xâm nhập vào cơ thể khi bạn chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
|
Rửa tay thường xuyên khi bạn đi du lịch |
7. Gừng tươi trị đau bụng
Gừng là một trong những biện pháp chữa bệnh tự nhiên lâu đời nhất để làm dịu cơn đau dạ dày, giảm viêm và nó còn đóng vai trò như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên. Gừng tươi, trà gừng hay kẹo gừng sẽ mang đến tác dụng đáng ngạc nhiên. 1 ly trà gừng dạng túi lọc, hoặc gừng tươi pha với nước nóng sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn tốt hơn nếu nạp quá nhiều các loại thực phẩm khi đi du lịch.
8. Các loại thuốc giúp ứng cứu kịp thời
Thuốc hạ sốt, thuốc chữa tiêu chảy, men tiêu hóa, dung dịch bù nước, các loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa như bột sắn dây, mơ ngâm muối… là những "người bạn" không thể thiếu trong túi hành lý khi đi xa. Bạn có thể sử dụng ngay lúc đó nhằm khắc phục sự cố, nếu tình hình vẫn không khả quan thì cần đến trạm y tế, bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời.
9. Giữ bình tĩnh
Nếu chẳng may bạn bị ngộ độc thực phẩm, đừng hoảng loạn. Nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc kéo dài hãy tìm sự trợ giúp về y tế. Bạn cũng nên đầu tư vào bảo hiểm du lịch và tìm hiểu thông tin về các phòng khám nơi bạn đến để chuyến đi được trọn vẹn.