3 thực phẩm bị mốc vẫn có thể
Trái cây, rau củ cứng, có độ ẩm thấp
Các loại rau củ như cà rốt, củ cải hoặc các loại rau cứng như bắp cải, có độ ẩm thấp, nồng độ axit cao khiến nấm mốc khó xâm nhập. Khi rau không bị nhũn, bạn có thể cắt bỏ những phần đã hỏng và dùng những phần còn lại.
Điều này cũng đúng với một số loại trái cây như táo, lê.
Chuyên gia tư vấn về an toàn thực phẩm Jill Taylor nói với The Sun: " “Phần lớn các loại nấm mốc phát triển trên rau quả tươi thường không gây hại cho bạn. Khi táo hoặc lê bị mềm hoặc bị thâm, nấm mốc dễ mọc lên. Nhưng bạn có thể cắt đôi chúng và ăn nửa còn lại, với điều kiện nó không có sâu hay giòi".
Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận với khoai tây. Khi vỏ của chúng đã chuyển màu xanh chứng tỏ chất độc solanin đã xuất hiện, tốt nhất không nên ăn.
Phô mai cứng
Khi các loại phô mai cứng như Chedder, Parmesan bị mốc, nó không thấm thấm vào dưới bề mặt. Để an toàn, bạn nên cắt bỏ ít nhất 2,5cm xung quanh phần mốc đồng thời đảm bảo con dao dùng để cắt phô mai không tiếp xúc với chỗ mốc.
Một số loại phô mai nổi tiếng được làm từ nấm mốc như Gorgonzola. Đây là loại bạn hoàn toàn có thể ăn được ngay cả khi nó bị mốc. Nấm mốc cũng được sử dụng trong phô mai Brie hoặc Camembert. Thực chất đo là một loại penicillin được phun lên nó để tạo thành lớp vỏ nấm mốc.
Nhìn chung, khi phô mai bị mốc thì bạn chỉ cần cắt bỏ phần bị mốc đi và sử dụng phần còn lại. Nếu phô mai đã bị nhũn, nhầy nhụa thì vi khuẩn và độc tố đã phát triển, tốt nhất không nên ăn.
Mứt trái cây
Chuyên gia Jill cho biết, bạn hoàn toàn có thể bỏ phần mốc trên hộp mứt và sử dụng phần còn lại bình thường với điều kiện đó không phải loại mứt dành cho người tiểu đường hoặc mứt ít đường. Mứt vốn có lượng đường rất cao và được cô đặc lại. Sự khô ráo và lượng đường cao sẽ ngăn vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Vì không có nước, nên nếu mứt bị mốc thì nguyên nhân là ai đó đã dùng dao có dính bơ hoặc vụn bánh mì để lấy mứt hoặc cho ngón tay vào đó.
5 thực phẩm tuyệt đối không ăn khi bị nấm mốc
Lạc
Aspergillus - một loại nấm mốc thường thấy trên lạc (đậu phộng) và một số loại hạt, ngũ cốc khác. Chúng tạo ra độc tố có hại cho gan và các bộ phận khác. Ngay cả khi nấu chín ở nhiệt độ cao, loại độc tố này cũng không mất đi.
Bánh mì
Nấm mốc rất dễ phát triển và làm hỏng các thực phẩm có kết cấu mềm, xốp như bánh mì. Một loại nấm mốc phổ biến trên bánh mì là Rhizopus stolonifer - nấm mốc bánh mì đen, có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu ăn phải.
Trái cây và rau quả mềm, nhiều nước
Các loại trái cây, rau quả có độ ẩm cao như dưa chuột, mận và cà chua rất dễ bị mốc ở dưới bề mặt và làm toàn bộ sản phẩm nhiễm độc. Khi thấy chúng bị mốc, tốt nhất nên vứt đi để tránh gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.
Phô mai mềm và phô mai vụn
Phô mai mềm như phô mai tươi, kem phô mai có độ ẩm cao, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên dưới bề mặt và phát triển mạnh mẽ. Khi thấy loại phô mai này bị mốc, bạn đừng tiếc mà sử dụng vì rất hại sức khỏe.
Thực phẩm có độ ẩm cao
Nấm mốc rất dễ phát triển dưới bề mặt của các thực phẩm có chứa nhiều nước. Những thực phẩm này cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập hơn so với thực phẩm khô năn ăn càng nguy hiểm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo, khi thấy các món như thịt xông khói, xúc xích, thức ăn còn chín nấu thừa, thịt gia súc, gia cầm, mì ống nấu chín, sữa chua, kem chua bị mốc thì nên vứt đi ngay.