3 tuần sau nâng mũi, vết thương vẫn sưng tấy, nguyên nhân do đâu?

Google News

Sau phẫu thuật thẩm mỹ, vết thương nếu không được chăm sóc đúng cách có thể bị nhiễm trùng, hoại tử, sẹo xấu, thậm chí là dẫn đến những biến chứng khó lường.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (BV ĐHYD TP HCM) vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân T.Đ.T. (35 tuổi, ngụ tại Bến Tre) trong tình trạng vết thương hậu phẫu đang có dấu hiệu chảy dịch mủ, sưng tấy, đau sốt. Chị T. vừa phẫu thuật nâng mũi cách đó 3 tuần.

Tại phòng khám Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, bác sĩ chẩn đoán chị T. bị nhiễm trùng vết mổ, phải nhập viện điều trị, loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Nhờ điều trị kịp thời và đúng cách, sau 2 tuần vết thương đã lành.

3 tuan sau nang mui, vet thuong van sung tay, nguyen nhan do dau?
BSCKII. Vũ Hữu Thịnh tư vấn chăm sóc vết thương cho người bệnh 

BSCKII. Vũ Hữu Thịnh, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ cho biết, quá trình liền thương gồm có 4 giai đoạn: Cầm máu - Viêm, phù nề - Tăng sinh - Tái tạo.

Trong đó, giai đoạn viêm, phù nề đóng vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Đây là cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể, giúp dọn dẹp và làm sạch vết thương.

Giai đoạn này thường diễn ra trong ngày đầu đến ngày thứ 3. Từ ngày thứ 4 trở đi sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn và song song với quá trình tăng sinh và tái tạo. Phù nề, tăng tiết dịch là những triệu chứng phổ biến.

Theo BS Thịnh, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành thương, được chia thành 2 nhóm: trực tiếp và gián tiếp. Các yếu tố trực tiếp thường xuất phát từ chính vết thương, chẳng hạn vết thương không sạch, có dị vật, bị nhiễm trùng, dập nát, hoại tử, rìa cắt vết thương nham nhở, tụ dịch, vết khâu bị căng.

Quá trình vận động, bất động không đúng cách hay chăm sóc vết thương sai cũng có thể dẫn đến tình trạng khó lành thương sau phẫu thuật, phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong khi đó, các yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình lành thương thường xuất phát từ các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não… hoặc có vấn đề về miễn dịch, mất cân bằng dinh dưỡng

Những vết thương hậu phẫu có thể diễn tiến xấu như sưng tấy, nóng sốt, tăng tiết dịch. Nặng hơn, vết mổ có thể bị nhiễm trùng và lan rộng gây nhiễm trùng toàn thân, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, ung thư, thậm chí là tử vong.

Theo BSCKII. Vũ Hữu Thịnh, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để giảm tình trạng phù nề trong những ngày đầu sau phẫu thuật.

Trong trường hợp những vết thương hậu phẫu khó lành hoặc không có dấu hiệu lành lại, người bệnh cần sớm được xác định nguyên nhân, xử lý triệt để những yếu tố ảnh hưởng, tốc độ lành thương mới có thể được cải thiện.

Để quá trình hồi phục được hiệu quả cũng như đảm bảo kết quả cuối cùng, người bệnh cũng cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể, chỉ thay băng khi cần thiết, đảm bảo vô trùng. Đồng thời áp dụng các phương pháp để giảm phù nề và thường xuyên vận động cơ thể với những bài tập vừa sức.

Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung đủ chất dinh dưỡng từ bữa ăn, hạn chế các loại thực phẩm gây dị ứng, các chất kích thích.

>>> Mời độc giả xem thêm video Suýt mù mắt do tiêm Filler nâng mũi:

(Nguồn: VTV TSTC)

An Quý

>> xem thêm

Bình luận(0)