Ăn mì úp nước sôi thay cho bữa sáng
Mì tôm là một trong những đồ ăn sáng được nhiều người lựa chọn vì tính tiến dụng và giá thành rẻ. Tuy nhiên, một gói mì không thể đủ cung cấp năng lượng cần thiết cho cả một buổi sáng.
Bữa sáng không đủ chất có thể khiến cơ thể bạn nhanh mệt mỏi, kém tập trung nên làm việc kém hiệu quả. Ngoài ra, việc này cũng không tốt cho dạ dày.
Ăn quá thường xuyên
Mì tôm không phải là loại thực phẩm bạn nên ăn thường xuyên bởi thành phần của nó chủ yếu là tinh bột, rất ít chất xơ, vitamin, đạm nhưng lại giàu carbonhydrate và chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Ăn mì quá thường xuyên sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, gây nóng trong người và nổi mụn. Ăn nhiều mì tôm gây ra béo phì.
Ăn sống
Mì tôm sống cũng là món ăn được nhiều người thích vì có độ giòn và vị thơm đặc trưng. Tuy nhiên, mì tôm thường được sản xuất bằng cách chiên qua dầu nên chứa nhiều chất béo khó tiêu hóa. Ăn mì tôm sống sẽ làm bạn cảm thấy đầy bụng, tăng cân mất kiểm soát. Do đó, tốt nhất bạn nên nấu mì rồi mới ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách ăn mỳ tôm an toàn, khỏe mạnh
Để ăn mì tôm không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên bổ sung thêm thịt, trứng và rau xanh để làm giảm tối đa lượng chất béo dư thừa. Mỗi gói mì, bạn nên cho thêm khoảng 150 gram rau (như cải ngọt, cải xanh, giá đỗ...). Việc thêm rau sẽ cung cấp thêm chất xơ, cân bằng dinh dưỡng cho bữa sáng. Ngoài ra, nên bổ sung thêm 25-30 gram chất đạm từ thịt bò, thịt lợn, hải sản... để bổ sung năng lượng cho các hoạt động buổi sáng.
Ngoài ra, bạn không nên ăn mì quá 2 lần/tuần. Sau khi ăn nên uống nhiều nước và nạp nhiều trái cây để thanh nhiệt cho cơ thể, hạn chế mụn nhọt phát sinh.