Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TP HCM, tim bẩm sinh chiếm 54% (5.442/10.000) tổng số bệnh tim ở trẻ em. Hiện nay, nhờ kỹ thuật siêu âm, dị tật tim bẩm sinh có thể được phát hiện ở tuần thứ 18 của thai kỳ.
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em (hay còn gọi là dị tật tim bẩm sinh) là tình trạng cấu trúc tim bị khiếm khuyết, đây là dạng dị tật bẩm sinh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các ca dị tật bẩm sinh.
Nguyên nhân gây tim bẩm sinh
Tim bẩm sinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phần lớn các trường hợp bệnh rất khó xác định nguyên nhân cụ thể. Theo các nghiên cứu, bệnh có thể do một số nguyên nhân:
Yếu tố gia đình và di truyền có thể dẫn đến nguy cơ tim bẩm sinh. Di truyền trong gia đình khiến bệnh xảy ra ở nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nguyên nhân này chỉ chiếm 3% trong các trường hợp.
Môi trường sống tác động nhiều lên nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh, các tác nhân có thể kể đến như: Béo phì, bệnh tiểu đường; virus, đặc biệt là hội chứng Rubella (sởi Đức) và thủy đậu bẩm sinh; Mẹ mắc một số bệnh như tiểu đường, lupus ban đỏ…
Ngoài ra, mang thai muộn có thể gây ra tỷ lệ mắc hội chứng Down cao hơn, ngoài việc chậm phát triển tinh thần và các bất thường thể chất. Có đến 50% trẻ có thể mắc khiếm khuyết vách nhĩ thất phức tạp trong tim.
Triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh
Tùy thuộc vào loại dị tật mà các triệu chứng có thể xuất hiện ngay khi trẻ mới chào đời hoặc chỉ xuất hiện khi trẻ đã lớn.
Các triệu chứng dị tật bẩm sinh ở trẻ bao gồm:
- Hay bị ho, khò khè, khó thở.
- Bú khó.
- Da xanh xao. Đầu ngón tay, ngón chân có thể bị tím tái.
- Cân nặng khi sinh thấp, tăng trưởng chậm.
Ngoài ra, đối với người trưởng thành có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Nhịp tim bất thường.
- Da màu xanh tím.
- Phù.
- Mệt mỏi.
- Ngất xỉu.
|
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là tình trạng cấu trúc tim bị khiếm khuyết.
|
Cha mẹ cần chăm sóc trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh như thế nào?
Trẻ mắc tim bẩm sinh sẽ rất dễ bị suy dinh dưỡng, khó tăng cân, bởi trẻ có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường, trong khi sự hấp thu lại bị giảm, điều này có ảnh hưởng đến việc phẫu thuật tim cho trẻ.
Vì vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu và giúp trẻ tăng cân, các bậc làm cha mẹ phải thực sự kiên trì trong thực đơn cũng như chế độ ăn hàng ngày của trẻ.
Ngoài việc thăm khám và sử dụng các biện pháp can thiệp liên quan đến y khoa, cha mẹ nên chủ động chăm sóc trẻ với chế độ sinh hoạt và ăn uống hàng ngày một cách tỉ mỉ. Điều này sẽ giúp trẻ có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Về cơ bản các thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa bú hoặc bữa ăn của trẻ mắc bệnh tim không khác gì so với trẻ bình thường. Tuy nhiên, trẻ mắc bệnh thường rất mệt mỏi, chán ăn, do đó ngoài việc chữa bệnh chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ và phải xác định rằng ăn đối với trẻ lúc này rất quan trọng.
Vì trẻ bị bệnh nên cần cho trẻ ăn nhiều bữa, thức ăn cần chế biến dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa hơn, mùi vị phải thơm ngon, hợp khẩu vị. Điều cần thiết là cho trẻ uống đủ nước, nên uống các loại quả có đường như nước cam, chanh, nước dừa... hoặc sữa, vì các loại nước này vừa cung cấp năng lượng, vừa cung cấp vitamin và khoáng chất trong giai đoạn trẻ bệnh.
Ở trẻ dưới 6 tháng: Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, bú bất cứ khi nào trẻ muốn, cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần mỗi ngày.
Trẻ từ 4 - 6 tháng: Có thể cho ăn thêm, nhưng chỉ khi trẻ còn đói sau mỗi lần bú. Do trẻ mắc tim bẩm sinh thường khó tiêu và dễ bị nôn, vì vậy cần nâng đầu trẻ cao khi cho bú.
Ở trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi: Trẻ vẫn cần được bú mẹ. Trẻ từ 6 tháng tuổi thì bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm từ 1 - 2 bữa bột, từ loãng đến đặc dần, từ ngọt đến mặn. Thức ăn dặm cần đầy đủ và giàu dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn dặm 3 bữa mỗi ngày khi còn bú mẹ và 5 bữa khi đã ngừng bú. Bổ sung cho trẻ các loại hoa quả như chuối, đu đủ…
Ở trẻ từ 12 tháng tuổi đến 2 tuổi: Cha mẹ không cho trẻ bú bình mà cho uống bằng thìa hoặc cốc. Trẻ ăn dặm 3 - 5 bữa mỗi ngày. Mỗi bữa khoảng một bát rưỡi các thức ăn đầy đủ thành phần. Cho trẻ ăn thêm hoa quả.
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên: Cho trẻ ăn 3 bữa cùng với gia đình, với các thức ăn đầy đủ thành phần và chất dinh dưỡng, xen giữa có thể là các bữa phụ với sữa, bánh, phở, mì, cháo… Bổ sung thêm hoa quả vào bữa ăn của trẻ.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh tim bẩm sinh là một tật bệnh của tim có từ khi trẻ trong bụng mẹ. Sự chăm sóc của bố mẹ sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ bệnh tim bẩm sinh, điều này giúp trẻ có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Trẻ bị tim bẩm sinh cần được tái khám định kỳ mỗi tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng, tùy theo chỉ định của bác sĩ. Cho dù sức khỏe của trẻ vẫn bình thường cũng nên đi tái khám theo đúng lịch hẹn, để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện sớm các biến chứng nếu có, cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ.
Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng khác thường nào dưới đây thì cần đưa trẻ đi khám lại ngay:
- Bú kém, ăn kém hơn hoặc bỏ bú, bỏ ăn, nôn ói.
- Trẻ sốt cao.
- Tiêu chảy.
- Quấy khóc liên tục, bứt rứt, vật vã, mệt lả, lơ mơ, li bì.
- Thở nhanh, khó thở, lồng ngực bị rút lõm, ho nhiều, da tím, xanh xao nhiều hơn, vã mồ hôi nhiều, chi lạnh… Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.