Bộ phim “Sex and the City” được phát sóng từ năm 1998 đến năm 2004 trên kênh HBO đã từng thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận một thời. Thế nhưng, ít ai biết được nữ diễn viên chính Cynthia Nixon trong phim – người giành giải Emmy Primetime năm 2004 từng mắc căn bệnh da liễu mang tên trứng cá đỏ.
Cynthia Nixon chia sẻ rằng: “Đối với tôi, đó là một cú sốc lớn. Tôi luôn tự tin về ngoại hình của mình, nhưng khi mắc chứng bệnh này, tôi cảm thấy bị tổn thương và mất tự tin”. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, nữ diễn viên phim “Sex and the City” đã vượt qua tất cả.
"Trứng cá đỏ có thể luôn ở trong tâm trí bạn, nhưng nó không nhất thiết phải ở trên khuôn mặt bạn", Cynthia chia sẻ và khuyến cáo những người đang nghi ngờ mắc căn bệnh này rằng: “Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị trứng cá đỏ, hãy đến gặp bác sĩ da liễu. Tin tôi đi, nó sẽ tốt hơn rất nhiều".
Theo Cynthia Nixon, cô bắt đầu nhận thấy bản thân đang mắc các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ, một tình trạng da mạn tính gây đỏ da, sưng tấy và mụn trên mặt. Ban đầu, cô đã nhầm lẫn với mụn thông thường, nhưng sau khi tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia da liễu, cô được chẩn đoán mắc bệnh trứng cá đỏ.
Sao nữ “Sex and the City” đã tuân thủ điều trị và vượt qua căn bệnh trứng cá đỏ khiến cô phải tự ti.
Trước khi được chẩn đoán ra bệnh, Cynthia Nixon đã thử nghiệm nhiều sản phẩm chăm sóc da, thậm chí cắt và đốt, sử dụng chất tẩy tế bào chết, giữ cho lỗ chân lông thông thoáng nhưng đều không có kết quả. “Sau khi được chẩn đoán bị mắc bệnh trứng cá đỏ, tôi đã biết được bản thân đang gây hại cho da của mình nhiều hơn là lợi ích. Điều này vô cùng quan trọng", cô nói.
Để giải quyết vấn đề này, nữ diễn viên phim “Sex and the City” đã tìm đến sự giúp đỡ của một bác sĩ da liễu, chính vị bác sĩ này đã điều trị bệnh trứng cá đỏ cho Cynthia Nixon bằng đường uống. Đồng thời với đó là tư vấn các chăm sóc làn da nhạy cảm do bị trứng cá đỏ.
Sau khi được chẩn đoán, Cynthia đã bắt đầu hành trình chữa trị của mình. Cô thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm cả thuốc uống và thuốc bôi. Ngoài ra, cô cũng chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống, tìm hiểu những thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Khi đóng phim, việc trang điểm là khó tránh khỏi, để không ảnh hưởng đến làn da, Cynthia Nixon đã tìm ra được một quy trình chăm sóc da nhẹ nhàng, hợp lý. Với sự giúp đỡ của bác sĩ da liễu, cô đã xác định được sản phẩm nào phù hợp nhất với mình và cô không bao giờ từ bỏ chúng.
Bên cạnh đó, Cynthia còn có thể xác định được một số tác nhân gây bùng phát bệnh trứng cá đỏ của mình, chẳng hạn như ánh nắng mặt trời, đồ ăn cay, rượu và caffe. Sau khi mắc loại bệnh này, cô đã cố gắng hạn chế tối đa những thói quen ăn uống và sinh hoạt trên.
Theo nữ diễn viên “Sex and the City”, điều quan trọng là mọi người cần hiểu rằng bệnh trứng cá đỏ không chỉ là một vấn đề về da mà còn là một thách thức tinh thần. Thành công trong việc điều trị bệnh trứng cá đỏ của nữ diễn viên đã minh chứng rằng, việc đối mặt với bệnh tật không chỉ là một cuộc chiến với triệu chứng mà còn là một hành trình tìm kiếm sức mạnh nội tâm và sự chấp nhận bản thân.
Trứng cá đỏ là bệnh gì?
Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trứng cá đỏ có biểu hiện là ban đỏ mạn tính ở vùng trung tâm mặt. Tuổi mắc bệnh từ 30 – 60 tuổi và hay gặp ở người da trắng. Thương tổn có thể xuất hiện trong thời gian ngắn, dễ tái phát, hoặc ban đỏ tồn tại vĩnh viễn. Bệnh trứng cá đỏ không phải là bệnh trứng cá vì nó không có liên quan gì đến bệnh trứng cá thông thường, không có nhân đen trên thương tổn.
Bệnh trứng cá đỏ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh, nhất là nhan sắc của chị em. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân gây bệnh trứng cá đỏ là gì?
Bác sĩ Kiêm cho biết, nguyên nhân gây bệnh trứng cá đỏ bao gồm các yếu tố như môi trường, yếu tố gây viêm mạch máu, tiếp xúc với tia cực tím lâu ngày được cho là gây lên trứng cá đỏ.
Ngoài ra, xuất hiện đáp ứng miễn dịch bẩm sinh của da là rất quan trọng. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy nồng độ cao peptide kháng khuẩn như cathelicidins trong bệnh trứng cá đỏ. Cathelicidins không những thúc đẩy quá trình thoát nhiều bạch cầu trung tính vào da, mà nó còn gây giãn mạch máu tại da. Dịch thoát khỏi mạch máu bị giãn gây phù nề, các citokin tiền viêm xâm nhập vào da làm tăng quá trình viêm.
Các enzym protein kim loại mầm như enzym collagen, enzym sợi chun cũng xuất hiện tại thương tổn. Bình thường các enzym này có tác dụng làm lành vết thương và kiến tạo mạch máu. Ngược lại, trong bệnh trứng cá đỏ thì nồng độ cao của các enzym này có thể kích thích quá trình viêm, làm dày và cứng da. Người bị trứng cá đỏ dùng kem dưỡng da mặt, bôi steroid sẽ làm bệnh nặng hơn.
Bệnh trứng cá đỏ có triệu chứng gì?
Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, trứng cá đỏ sẽ có những triệu chứng như:
- Da mặt xuất hiện các sẩn màu đỏ hoặc mụn mủ. Thương tổn có hình vòm. Bệnh không có mụn đầu đen, không có mụn đầu trắng, hoặc mụn bọc. Vùng tổn thương đỏ, phù nề, có vảy tiết.
- Nhìn rõ các mạch máu tại vùng da đỏ.
- Sẩn mủ và mụn mủ xuất hiện trên mũi, trán, má, cằm. Có thể xuất hiện tại chi trên và thân người.
- Da mặt khô, nứt nẻ.
- Uống rượu, ăn thức ăn cay nóng, tiếp xúc với ánh nắng làm bệnh trầm trọng hơn.
- Vùng tổn thương nhạy cảm: cảm giác rát bỏng, đau, đặc biệt rõ khi trang điểm hoặc dùng kem dưỡng da.
- Mắt có biểu hiện đỏ, đau, viêm bờ mi, viêm kết mạc.
- Mũi dày da, phì đại, biến dạng, lỗ nang lông giãn rộng gọi là mũi sư tử.
- Sưng phù, dày bờ mi gọi là bờ mi sư tử.
- Đỏ da, phù nề lâu ngày ở trên mặt do tắc nghẽn bạch huyết.
Với bệnh trứng cá đỏ, việc chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng. Khi có chẩn đoán chính xác sẽ dùng thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm nề đỏ. Cần loại bỏ các yếu tố gây trứng cá đỏ như kem dưỡng da dạng dầu, steroid, ăn thức ăn cay nóng, tránh ánh sáng mặt trời.