Trời lạnh ngủ dậy thấy mồm hơi méo, người phụ nữ Hà Nội phát hiện bị đột quỵ não, dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm không chừa ai

Google News

Trường hợp người phụ nữ này rất may mắn là người thân phát hiện sớm, báo bác sĩ ngay nên vẫn ở trong “thời gian vàng” can thiệp, không ảnh hưởng đến tinh mạng

Bác sĩ Đinh Thế Tiến (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu cho một người phụ nữ gần 60 tuổi ở Hà Nội bị đột quỵ não. Trước đó, ngày 17/12, bệnh nhân đến viện vì bị chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định nhưng vẫn theo dõi tại viện.

Đến ngày 20/12, sau khi ngủ dậy, người nhà phát hiện bệnh nhân méo miệng, nói khó, liệt thần kinh mặt, yếu nửa người trái nên đã báo các bác sĩ. Thăm khám thấy huyết áp người bệnh tăng cao (200/120mmHg), các bác sĩ chỉ định cho nữ bệnh nhân đi chụp phim cắt lớp sọ não. Kết quả, người bệnh bị xuất huyết cầu não và được chuyển đến đơn nguyên điều trị đột quỵ để tiến hành can thiệp.

Hình ảnh phim chụp của nữ bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến cho biết, đây chỉ là một trong số những trường hợp đột quỵ não xuất hiện rất bất ngờ và cũng rất may mắn được phát hiện và xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Theo bác sĩ Tiến, thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Ở nước ta, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85% các trường hợp.

Lý giải cơ chế đột quỵ não hay xảy ra vào mùa lạnh, bác sĩ Tiến cho biết, khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Việc co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao, khiến người bệnh dễ bị chảy máu trong não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.

Dấu hiệu của bệnh đột quỵ, cần cảnh giác:

- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

Cảm thấy nhức đầu dữ dội có thể là dấu hiệu của đột quỵ não. (Ảnh minh họa)

- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ. Nếu phát hiện người bệnh có các dấu hiệu trên, cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Để phòng ngừa đột quỵ, cần kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính như huyết áp (duy trì huyết áp dưới 140mmHg), đường huyết, các bệnh lý tim mạch; sử dụng thuốc theo đơn; có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống.

Ngoài ra, cần giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời khi trời giá rét. Sử dụng máy sưởi hoặc điều hòa không khí đặc biệt với người lớn tuổi. Hạn chế sử dụng rượu, bia, các chất kích thích.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)