Những điểm nhấn sau 2 ngày thi THPT: Xúc động người cha chở con trên xe đạp, thầy giáo 48 tuổi quyết lấy bằng TN

Google News

Mùa thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024 chính thức kết thúc, cũng là lúc hơn 1 triệu sĩ tử nói lời chia tay 12 năm đèn sách miệt mài. Trong 2 ngày thi vừa qua, đây là những điểm nhấn đặc biệt, nhiều tình huống đáng tiếc xảy ra nhưng cũng có nhiều câu chuyện lan tỏa, truyền cảm hứng.

Nhiều thí sinh "trúng tủ" môn Văn, đề toán sẽ "hiếm điểm 10"

Môn Ngữ Văn: Đây là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 và là môn gây lo lắng với phần lớn thí sinh. Tuy nhiên, tại nhiều điểm thi, không ít sĩ tử vui mừng chia sẻ "trúng tủ" khi đề thi gọi tên tác phẩm “Đất Nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Nhiều giáo viên nhận xét, thí sinh đã có ngày khởi đầu tốt đẹp khi mà cả đề thi Ngữ văn bám sát chương trình học, ôn luyện và cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh vui vừng sau khi hoàn thành bài thi môn Văn

Môn Toán: Nhiều sĩ tử cho biết đề toán năm nay có nhiều câu dễ thì rất dễ, còn những câu khó thì rất khó. Một số em dự đoán mức điểm dễ kiếm là từ 6,5 -7 điểm và mức điểm khó kiếm là điểm 8, 9, 10. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng - Tổ trưởng tổ Toán - Tin, Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội nhận định: "Tôi dự đoán mức điểm môn Toán năm nay phổ biến khoảng 7,4 điểm và sẽ khó đạt nhiều điểm 9-10 hơn năm ngoái".

Bài thi tổ hợp: Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp, hầu hết các thí sinh đều có tâm trạng vui vẻ, thoái mái vì đánh giá đề thi khá dễ dàng để vượt qua. Tại điểm thi trường THPT Tùng Thiện (Hà Nội), bạn Huyền Trang chia sẻ: "Mình vừa thi xong tổ hợp Khoa học xã hội. Môn mình tự tin nhất là môn Sử và mình cảm thấy đề năm nay khá là dễ. Có 10 câu cuối của môn Lịch sử là có tính vận dụng cao. May mắn là mình không phải thi môn GDCD. Mình dự định năm nay sẽ bão điểm 9,10 cho các môn xã hội nhiều".

9 thí sinh bị đình chỉ trong ngày đầu tiên thi tốt nghiệp THPT 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Ngữ văn là 1.054.601. Tuy nhiên chỉ có 1.050.622 thí sinh dự thi đạt tỷ lệ 99,62%.

Kết thúc ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên, có tổng cộng 10 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 9 em bị đình chỉ (ở buổi thi môn Văn sáng 27/6, có 7 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ; trong đó 3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động). Ngày thi đầu tiên không có cán bộ tham gia kỳ thi vi phạm quy chế thi. 

Nhiều vụ tai nạn hy hữu xảy ra, một số em phải "bỏ lỡ" 12 năm học

Nam sinh Vũng Tàu tông vào trụ điện trên đường đến điểm thi

Sáng 27/6, trên đường đến điểm thi, em Nguyễn Quang Đại (trường THPT Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển xe máy tông thẳng vào trụ điện. Đạt bị gãy xương vai, xương chân, chấn thương ở vùng đầu và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Đại được người dân hỗ trợ sau vụ tai nạn giao thông

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, trường hợp này, nếu thí sinh xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên thì đủ điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Sở sẽ hỗ trợ nhà trường hoàn thiện hồ sơ xét đặc cách cho thí sinh.

Nam sinh gãy chân do tai nạn, cố gắng đi thi nhưng bị ngất trong phòng thi

Đầu giờ chiều 27/6, Trần Tuấn Anh (phường 2, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đi xe máy chở theo bạn đến điểm thi tại Trường THPT Nguyễn Du để dự thi môn toán. Do trời mưa, 2 em bị tai nạn; thí sinh Tuấn Anh bị gãy chân. Sau khi được người đi đường đưa đến điểm thi và được thầy cô, bạn bè động viên, cả 2 em đã nén đau quyết tâm viết cam kết dự thi môn toán.

Em Trần Tuấn Anh được đưa đến điểm thi để làm bài thi môn thi Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh: Dân Việt)

Sáng 28/6, sau khi kết thúc môn thi lịch sử, Tuấn Anh bị ngất và được chuyển ngay đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu.

Nữ sinh đổ bệnh trước giờ thi, CSGT đến nhà đưa đi cấp cứu

Sáng 28/6, tại điểm thi Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, một thí sinh bất ngờ bị ốm trước giờ thi. Ngay khi tiếp nhận thông tin, tổ CSGT CA Huyện Văn Chấn cùng Đoàn thanh niên cơ sở đã đến nhà thí sinh này tại thôn 9, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ để xác minh.

CSGT đến nhà đưa nữ sinh Yên Bái đi cấp cứu trước giờ thi

Tại đây, ghi nhận thí sinh C bị mê man, nôn nhiều không thể tham dự kỳ thi, nhà chỉ có hai mẹ con nên gặp khó khăn chưa thể tự đi đến bệnh viện ngay.

Nhận thấy C có dấu hiệu bệnh nghiêm trọng tổ CSGT đã trực tiếp đưa thí sinh này đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Nghĩa Lộ để đảm bảo tính mạng, sức khoẻ.

Thí sinh mổ ruột thừa đến điểm thi bằng xe cấp cứu

Ở điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TPHCM), nam sinh Nguyễn Gia Bảo được đưa đến điểm thi bằng xe cấp cứu. Được biết, Gia Bảo vừa mổ ruột thừa, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gia Định (quận Bình Thạnh).

Gia Bảo đến điểm thi bằng xe cấp cứu

Bảo cho biết em bị đau vào tối 25/6, sát ngày thi tốt nghiệp. Dù được đặc cách xét tốt nghiệp nhưng nam sinh vẫn cố gắng đến điểm thi bằng xe cấp cứu, với mong muốn hoàn thành tốt kỳ thi. Hết ca thi, nam sinh này sẽ được đưa đến bệnh viện tiếp tục điều trị.

Nhiều hình ảnh đẹp và cảm động được lan tỏa

Cha nghèo đạp xe "cà tàng" chở con đi thi giữa phố Đà Nẵng

Hình ảnh hai cha con trên chiếc xe đạp "cà tàng" chở nhau giữa đường phố tấp nập trong ngày thi Tốt nghiệp THPT đầu tiên khiến nhiều người xúc động.

Người cha là Nguyễn Hữu Minh (52 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), có con gái dự thi tại điểm thi trường THPT Cẩm Lệ. Anh Minh cho hay, hôm qua đi làm thủ tục về, con gái nói thầy cô dặn tới trường sớm nên anh trằn trọc, cả đêm không ngủ được. Nhà ở xa trường, đạp xe nhanh cũng hơn nửa tiếng đồng hồ nên không thể chủ quan.

Được biết, chiếc xe đạp hai cha con đến trường mỗi ngày được quận hỗ trợ theo diện khó khăn từ khi con anh học lớp 6. 

“Mình chở con 3 năm trời rồi, giờ chở con đi thi thêm 3 ngày có chi đâu, miễn con an toàn, mình an lòng là được”, anh cười. Người cha tâm sự thêm, mọi người dành nhiều thứ cho con, anh không có điều kiện, chỉ có tình thương yêu, lo lắng cho con vô bờ nên sẽ làm tất cả những gì có thể để con đi tiếp trên hành trình con chữ.

Vợ mới mất một tuần, người cha đeo khăn tang chở con đi thi

Hình ảnh ông Võ Tá Dụng (56 tuổi, trú xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh), mặc chiếc áo đen, quàng khăn trắng ở cổ chở con trai Võ Nguyên Hoàng đi thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Thành Sen (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) khiến nhiều người xúc động

Ông Dụng chở con trai đến điểm thi.

Vợ ông Dụng mất khoảng 1 tuần trước do bị bệnh hiểm nghèo. Giữa thời điểm chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, mất đi người thân là nỗi đau quá lớn đối với gia đình, nhưng ông Dụng vẫn luôn động viên con trai cố gắng ôn thi để viết tiếp giấc mơ sau 12 năm đèn sách.

Sáng ngày thi, ông Dụng chuẩn bị đồ ăn cho con trai, đích thân chở con đến trường. Dù nhà cách điểm thi chừng vài km, nhưng người cha vẫn đồng hành, ngồi ngoài cổng 120 phút chờ con với hy vọng có thể tiếp thêm động lực cho con hoàn thành tốt kỳ thi.

Công an cõng nữ sinh khuyết tật đến phòng thi tốt nghiệp THPT

Hành động đẹp này diễn ra tại điểm thi trường THPT Trung Nghĩa. Nữ sinh được hỗ trợ là em Nguyễn Thị Hồng L. (19 tuổi). Em bị mất đôi chân trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra khi em đang học lớp 10.

Trung úy Vũ Mạnh Cường, cán bộ Công an huyện Thanh Thủy được phân công nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại hội đồng thi trường THPT Trung Nghĩa (xã Đồng Trung) đã xin phép gia đình, xin phép nữ sinh cõng em L. vào phòng thi sau đó cõng từ phòng thi ra xe để về nhà.

Nam sinh ngủ quên được CSGT đến tận nhà gọi dậy đi thi 

Chiều 27/6, sau khi thí sinh làm thủ tục thi môn Toán, hội đồng thi trường THPT Tây Giang rà soát và phát hiện vắng một em, là Ating A Vớt.

Biết tin, tổ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại đây đã cử Thượng úy Bling Mùi đi xe chuyên dụng đến nhà để tìm A Vớt. Đến nơi, cảnh sát phát hiện nam sinh đang ngủ trong nhà, liền gọi em dậy.

Vớt cho hay do trời mưa lớn nên ngủ quên. Nam học sinh mặc vội áo quần rồi lên xe để anh Mùi chở đi. Tới nơi lúc 14h18, Vớt kịp vào phòng làm bài môn Toán.

Nữ thí sinh quên giấy tờ được CSGT dùng xe đặc chủng chở hỗ trợ

Sáng 28/6, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Búk ghi nhận một thí sinh tại điểm thi trường THPT Phan Đăng Lưu (thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk) bỏ quên giấy tờ ở nhà trong khi giờ thi sắp đến gần.

Nhận thấy sự lo lắng của thí sinh này, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Búk đang làm nhiệm vụ tại điểm thi THPT Phan Đăng lưu đã chủ động quan tâm, hỏi thăm. Ngay lập tức, tổ cảnh sát giao thông đã dùng xe đặc chủng chở thí sinh về nhà lấy giấy tờ.

Với sự giúp đỡ của lực lượng cảnh sát giao thông, thí sinh đã lấy được giấy tờ, quay lại điểm thi đúng giờ. Thời gian về nhà và trở lại điểm thi không quá 10 phút.

Loạt câu chuyện truyền cảm hứng trong kỳ thi năm nay

Cha già 60 tuổi quyết tâm lấy bằng tốt nghiệp THPT để "làm gương cho con cháu"

Ở tuổi 60, ông Trần Công Nhân (ngụ ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) quyết tâm thi lấy bằng tốt nghiệp để thỏa mong ước thời trẻ và "làm gương cho con cháu". Ông là thí sinh lớn tuổi nhất tại kỳ thi này.

Ông Trần Công Nhân bên góc học tập ở nhà.

ông Nhân chọn các môn Toán, Văn, Anh và bài tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Theo ông, ngày còn trẻ, gia cảnh khó khăn nên chưa thể thi tốt nghiệp. Nhiều năm qua, ông luôn mong ước sở hữu tấm bằng này. Nay, dù tuổi cao song ông có điều kiện ôn luyện hơn trước. "Tôi đi thi còn vì muốn làm gương cho con cháu về tinh thần học tập", ông nói.

Thí sinh 49 tuổi dự thi tốt nghiệp THPT để thay đổi cuộc sống

Tại điểm thi Trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp, anh Nguyễn Thế Tú (48 tuổi) gây ấn tượng khi đã lớn tuổi vẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. 

Ở độ tuổi này anh Tú đã lập gia đình, có hai đứa con. Bản thân anh cũng đã có công việc với thu nhập ổn định. Hằng ngày anh lái xe chở học sinh đi học. “Ngày xưa, cuộc sống vất vả, tôi không có điều kiện để học cao hơn. Nay mọi thứ đã ổn định, tôi muốn thi tốt nghiệp để theo đuổi sự nghiệp mình mơ ước bấy lâu”, anh Tú nói và cho biết đã hoàn thành chương trình văn hóa, hệ giáo dục thường xuyên từ năm 2003.

Theo anh Tú, sau khi có kết quả kỳ thi, anh dự định xét tuyển vào ngành bảo tàng của Trường Đại học Văn hoá TP.HCM. Ngành học này, anh đã tìm hiểu kỹ từ trước.

Thầy giáo 48 tuổi thi tốt nghiệp THPT lần thứ hai

Sau gần 30 năm làm giáo viên, anh Rơ Châm Un, 48 tuổi, đi thi tốt nghiệp THPT lần thứ hai để hoàn thiện hồ sơ công việc. 

Anh Rơ Châm Un trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT

Anh Un đã 28 năm làm giáo viên ở trường Tiểu học Cù Chính Lan, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Trước đây, do tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm 9+3, anh Un không có bằng THPT.

Từ năm 2020, chuẩn nhà giáo được nâng lên. Ở bậc tiểu học, giáo viên phải có bằng đại học thay vì cao đẳng, trung cấp như trước. Do đó, anh Un được nhà trường tạo điều kiện theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh để hoàn thiện hồ sơ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, anh Un thức khuya ôn tập và lên mạng học hỏi thêm. Với những bài toán khó, anh gọi cho con gái đang học ở Kon Tum nhờ hỗ trợ.

H.A

Bình luận(0)