Dành riêng cho học sinh mê quản trị và hứng thú với y học
Chính thức được đào tạo chính quy tại Việt Nam từ 2016, ngành Quản trị bệnh viện đã và đang đào tạo nguồn nhân lực có khả năng quản trị, quan tâm đến cách vận hành quy trình khám chữa bệnh, nguồn nhân lực, trang thiết bị tại các bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp có dự án về chăm sóc sức khỏe.
Ngành Quản trị bệnh viện là cầu nối giữa lĩnh vực Quản trị và Y tế, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho đối tượng sinh viên yêu thích ngành Y, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và quản trị doanh nghiệp.
Ngành Quản trị bệnh viện từng được tạp chí Mỹ liệt kê vào 1 trong 10 xu thế ngành nghề HOT và quan trọng của thế giới và là một ngành học đang được nhiều người quan tâm bởi sự phát triển không ngừng của ngành y tế.
Trong hệ thống y tế hiện đại, vai trò của người quản trị bệnh viện đóng rất quan trọng. Họ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai các quy trình làm việc rõ ràng, từ khâu tiếp đón bệnh nhân đến quá trình điều trị, nhằm đảm bảo mọi hoạt động diễn ra hiệu quả và chất lượng.
Người chịu trách nhiệm quản trị bệnh viện sẽ hiểu rõ về quy trình khám chữa bệnh tại cơ sở đang công tác, từ đó họ đưa ra quyết định đầu tư vào các trang thiết bị y tế hiện đại, công nghệ mới để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra, người giữ vai trò quản trị bệnh viện sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị khác trong và ngoài bệnh viện để chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau.
Người làm việc với vai trò quản trị bệnh viện thường xuyên đánh giá và cải tiến chất lượng dịch vụ, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn y tế quốc tế. Và họ đóng vai trò cốt lõi trong quy trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có 5 trường đào tạo ngành Quản trị bệnh viện bao gồm: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM),trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam), trường ĐH Nam Cần Thơ (Cần Thơ).
Năm 2024, mức điểm chuẩn của ngành Quản trị bệnh viện dao động từ 15-24,1 điểm. Học sinh có thể lựa chọn các tổ hợp xét tuyển sau để theo đuổi ngành học này: B00 (Toán - Hoá - Sinh), B03 (Toán - Văn - Sinh), D01 (Toán - Văn - Anh), D07 (Toán - Anh - Hoá)...
Trong đó, trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cơ sở giáo dục đầu tiên đào tạo lĩnh vực Quản trị bệnh viện với đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác, làm việc tại những cơ sở y tế hàng đầu của cả nước. Ngoài xét tuyển tổ hợp D01 và D07, trường còn mở chỉ tiêu tuyển sinh ở hai khối: A00 (Toán - Lý - Hoá) và A01 (Toán - Anh - Lý). Trung bình thí sinh cần đạt từ 8-8,5 điểm/môn mới có thể đậu vào trường.
Cọ xát từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tốt nghiệp có việc làm ngay
Sinh viên ngành Quản trị bệnh viện sẽ được học các học phần liên quan quản lý doanh nghiệp, quản lý hệ thống thông tin bệnh viện, phân tích dữ liệu doanh nghiệp, hệ thống quản trị thông minh trong xu thế công nghệ 4.0, quản trị nhân lực…
Sinh viên còn được cung cấp một số kiến thức Marketing, xây dựng chiến lược và định vị thương hiệu cho các bệnh viện. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học thêm 1 số học phần về cách quản lý chất lượng thiết bị y tế, cách lập kế hoạch mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, cấp phát cho bộ phận theo yêu cầu sử dụng…
Thời gian trở lại đây, nhu cầu chăm sóc và cải thiện sức khỏe của người dân gia tăng mạnh mẽ. Xu hướng này khiến nhóm ngành Y tế - Sức khỏe đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà tuyển dụng. Đặc biệt, các bệnh viện đang rất cần nhân lực có kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp vững vàng nên chủ động liên kết với các trường ĐH có đào tạo lĩnh vực Quản trị bệnh viện. Từ đó, sinh viên sau khi ra trường có thể đi làm ngay mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm việc làm.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Thanh (Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) nhận định rằng tương lai nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí này sẽ rất cao: "Nhằm tối đa hóa sử dụng nguồn lực sẵn có và đảm bảo hiệu quả trong công tác quản trị, quản lý bệnh viện, các cơ sở y tế rất cần tuyển dụng nhân viên y tế có chuyên môn phù hợp với vị trí chuyên viên quản trị, quản lý các phòng chức năng tại bệnh viện" - vị bác sĩ này chia sẻ.
Các trường ĐH cũng tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm, thực tập tại các bệnh viện lớn và uy tín như bệnh viện Quân Y 175, bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện An Bình, bệnh viện Xuyên Á…
Để học tốt ngành Quản trị bệnh viện, sinh viên cần có đam mê và sự quan tâm đến lĩnh vực Quản trị, Kinh tế và Y học. Chính niềm đam mê này sẽ giúp các bạn khám phá ra nhiều điều mới mẻ và thú vị trong quá trình học tập và làm việc sau này. Khi thực sự yêu thích công việc, sinh viên sẽ không ngừng tìm tòi, học hỏi và nỗ lực phát triển bản thân.
Mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường ngành Quản trị bệnh viện thường dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực. Đối với các lĩnh vực chuyên về Marketing, định vị và quảng bá thương hiệu của bệnh viện, mức lương khởi điểm có thể từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, sự sáng tạo và tinh thần chủ động trong công việc sẽ giúp các bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Ngành Quản trị bệnh viện tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể, hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng. Đặc biệt, với nhiều phòng khám và bệnh viện liên tục triển khai các chương trình khám chữa bệnh mới, đổi mới quy trình, sinh viên ngành Quản trị bệnh viện sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và đóng góp vào sự phát triển của nền y tế Việt Nam.