1.
Một bà lão nhìn bức tường cao cách đó không xa, luôn cảm thấy nó sắp đổ. Thấy có người đi về phía bức tường, bà đều nhắc nhở: “Bức tường đó sắp đổ rồi, tránh ra đi”.
Những người qua đường phớt lờ lời nhắc nhở của bà và đi qua bức tường như không có chuyện gì xảy ra. Bà cụ giận lắm: “Sao lại không nghe lời tôi?"
Mỗi khi thấy có người đến gần, bà cụ lại nhiệt tình nhắc nhở. 3 ngày trôi qua, rất nhiều người đi qua bức tường mà không gặp nguy hiểm gì. Đến ngày thứ 4, bà lão cảm thấy mình có lẽ mình đã suy nghĩ nhiều, liền đi đến chân tường cẩn thận quan sát. Tuy nhiên, đúng lúc này, bức tường bất ngờ đổ sập xuống. Bà cụ bị vùi trong đống gạch và qua đời vì kiệt sức.
Luôn có những tai nạn và rủi ro trong cuộc sống này. Trong nhiều trường hợp, nhắc nhở người khác thì dễ nhưng nhắc nhở chính mình thì rất khó. Nhớ rằng sự xuất hiện của nguy hiểm thường là do sơ suất và mất cảnh giác.
2
2 gia đình nọ là hàng xóm của nhau. Người đàn ông trẻ trồng một vườn rau nhỏ ở khoảng sân phía sau nhà, bà cụ hàng xóm cũng nuôi chục con gà ở phía sân sau. Đàn gà của bà thường chạy vào vườn rau của người đàn ông kia khiến vườn rau tơi tả. Người đàn ông đã không ít lần nói chuyện này với bà hàng xóm, mong bà cho đàn gà của mình vào chuồng. Bà cụ lần nào cũng lịch sự đồng ý nhưng không bao giờ hành động.
Không muốn tranh cãi vì những vấn đề nhỏ nhặt này, người đàn ông liền nghĩ ra một cách. Anh chuẩn bị trước một túi trứng và đưa cho đứa trẻ nhà hàng xóm mang về khi đến nhà anh chơi. Hôm sau, bà cụ không quên nói lời cảm ơn anh. Anh liền cố tình nói: "Không có gì đâu. Chúng cháu có rất nhiều trứng. Cháu phải cảm ơn bác vì đã ăn giúp chúng cháu, không để hỏng thì thực sự rất phí".
Bà cụ ngạc nhiên hỏi: "Ta không thấy nhà cậu có một con gà mái nào, lấy đâu ra trứng không ăn hết?"
Người đàn ông trẻ liền đáp: "Mỗi ngày cháu đều nhặt trứng trong vườn rau, ăn không xuể bác ạ"
Từ sau hôm đó, người đàn ông không bao giờ thấy đàn gà của hàng xóm thả rông sang vườn rau nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc vướng vào chuyện của người này, người kia. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, bạn không thể chỉ lập luận, nói chuyện lý lẽ với đối phương. Điều quan trọng là tìm cách liên kết vấn đề với lợi ích của bên kia. Mọi người sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề hơn khi lợi ích của chính họ bị tổn hại.
3
Gia đình nọ sinh được một bé trai, cả nhà rất vui mừng. Ngày đứa bé đầy tháng, chủ nhà bế con ra chào khách đến chơi. Một người nói rằng đứa trẻ sẽ trở nên rất giàu có trong tương lai, anh được cảm ơn rối rít. Một người nói rằng đứa trẻ sau sau này sẽ làm quan, chủ nhà cũng vui ra mặt. Một người khác nói rằng đứa trẻ sẽ chết trong tương lai và anh ta bị chủ nhà đánh không thương tiếc.
Trên thực tế, ai cũng sẽ tới ngày phải tạm biệt cõi trần và câu nói của người thứ 3 không sai, là điều không thể tránh được. Nói rằng đứa trẻ sẽ trở thành quan và phát tài trong tương lai là tâng bốc, không có cơ sở. Nhưng bản năng của con người là thích nghe những lời tốt đẹp, không quan trọng có phải sự thật hay không. Cho dù lời nói tốt đó là giả, chúng vẫn dễ được tiếp nhận hơn là sự thật. Đây là điểm yếu lớn của bản chất con người.
4
Một nhà khoa học biết được rằng thần chết đang tìm kiếm mình, vì vậy để cứu mạng anh ta, ông đã sử dụng công nghệ nhân bản để tạo ra 12 bản sao của chính mình. Sau khi thần chết tìm thấy ông, đối mặt với 13 người giống hệt nhau, thần chết nhất thời không phân biệt được ai mới là người mình cần tìm nên đành tức giận bỏ đi. Nhưng không mất nhiều thời gian để thần chết nghĩ ra cách hay nhằm phân biệt thật giả.
Thần chết tìm đến 13 nhà khoa học giống hệt nhau và nói với họ: "Ngươi quả nhiên là thiên tài, có thể sao chép gần như hoàn mỹ như vậy. Đáng tiếc, ta vẫn phát hiện khuyết điểm nhỏ trong tác phẩm tưởng chừng hoàn hảo đó."
Lời còn chưa dứt, một nhà khoa học đã nhảy dựng lên, lớn tiếng cãi lại: "Điều này là không thể nào! Công nghệ của tôi rất hoàn hảo, lấy đâu là khuyết điểm?" Thần chết lúc này liền tóm lấy người vừa lên và mang đi.
Con người thường sợ bị đánh giá thấp và khao khát được khẳng định. Chúng ta có thể bình tĩnh thưởng thức những lời khen ngợi nhưng lại không thể bình tĩnh đón nhận những lời chỉ trích. Đôi khi, một câu hỏi đơn giản có thể xé tan mọi sự giả tạo của một người.
5.
Con cáo và con khỉ sau nhiều ngày chưa có gì ăn, chúng tìm đến xin Đức Phật. Đức Phật nói: “Đây là hai cái bình, một cái đầy thức ăn, cái kia trống rỗng, con hãy chọn lấy một”.
Cáo suy nghĩ một lúc rồi nói: “Con thấy cả hai cái bình này này đều rỗng cả”.
Một bình liền lên tiếng: "Tôi không rỗng!"
Cáo nghe xong lập tức chọn bình kia, quả nhiên là đầy thức ăn ngon. Nhìn thấy vẻ mặt khó hiểu của khỉ, cáo cười nói: “Cái bình không chứa gì luôn sợ bị gọi là cái bình rỗng”.
Con người ta càng thiếu thứ gì, họ càng quan tâm đến thứ đó. Khi bạn trống rỗng bên trong và trái tim không có đáy, bạn sẽ thấy mình cần chứng minh bản thân bằng lời nói. Người thực sự trưởng thành và khôn ngoan sẽ không bận tâm tới việc bạn nói gì về họ.
Có nhiều người dành cả đời để đối phó với người khác nhưng lại hiếm khi dành thời gian để hiểu chính mình. Bước đầu tiên để hiểu chính mình là nhận ra những lỗ hổng trong bản chất con người. Chỉ bằng cách liên tục vá những lỗ hổng đó, không ngừng hoàn thiện mình, chúng ta mới có thể sống tỉnh táo và khôn ngoan, minh bạch và an yên trong thế giới phức tạp này.