Giống chó nghiệp vụ giúp tìm người mất tích ở làng Nủ, từng sang tận đất Thổ cứu hộ, huấn luyện khắt khe thế nào?

Google News

Đồng hành cùng các chiến sĩ, thực hiện nhiệm vụ trong quân sự, cứu nạn, cứu hộ, các chú chó "đặc biệt" được tuyển chọn kỹ càng cùng chế độ huấn luyện nghiêm ngặt để trở thành biệt đội cảnh khuyển tinh nhuệ.

Những "chiến sĩ đặc biệt" tại Làng Nủ. 

Tiêu chí cực khắt khe, không phải giống nào cũng làm được

Trận lũ quét vào ngày 10/9 đã khiến làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nhấn chìm trong bùn đất khiến nhiều gia đình bị thiệt hại người và của, đến nay một số người vẫn còn bị mất tích, chôn vùi dưới đất cát. 

Vừa qua, 5 chú chó nghiệp vụ đã hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu trợ hỗ trợ lực lượng chức năng khoanh vùng tìm kiếm nạn nhân. Với sự tinh nhuệ, nhạy bén phát hiện dấu vết kể cả khi các nạn nhân bị vùi sâu dưới lớp bùn đất hoặc đống đổ nát, các chú chó nghiệp vụ đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ thực thi nhiệm vụ quân sự.

Chó nghiệp vụ là các loài chó được tuyển chọn kỹ càng và thực hiện các bài huấn luyện bài bản thường dùng trong lĩnh vực quân sự và an ninh quốc gia. Ở Việt Nam, trường Trung cấp 24 Biên phòng (huyện Ba Vì, Hà Nội) nổi tiếng là nơi đào tạo chó nghiệp vụ tinh nhuệ. Chó được tập huấn từ nhỏ để thực hiện thuần thục nhiệm vụ cứu hộ trong các điều kiện khắc nghiệt. 

Nếu cảnh khuyển đưa ra xác nhận có mùi hơi người, các nhân viên cứu hộ sẽ tập trung nỗ lực đào bới vào vị trí đó, cho đến khi tìm thấy nạn nhân.

Theo đó, chó nghiệp vụ có nguồn gốc chủ yếu từ giống chó Becgie (Đức), Malinois (Bỉ). Nhà trường chủ yếu nhập chó bố, mẹ về, sau đó tiến hành nhân giống tại trường.

Tùy đặc tính, khả năng, mỗi dòng chó phù hợp với nhiệm vụ riêng. Giống Becgie có lực cơ hàm mạnh, tính uy hiếp lớn, phù hợp chiến đấu trấn áp tội phạm. Giống Malinois sức bền kém hơn Becgie nhưng thông minh và luôn hưng phấn, thường dùng giám biệt nguồn hơi. Ngoài ra, còn có loài Labrador chủ yếu huấn luyện phát hiện ma túy ở sân bay, cửa khẩu, khu vực công cộng.

Trường Trung cấp 24 Biên phòng (ở Ba Vì, Hà Nội), thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) là trường duy nhất trong Quân đội đào tạo huấn luyện viên, huấn luyện chó nghiệp vụ theo 5 chuyên ngành, bao gồm: Chó chiến đấu, chó phát hiện ma túy, chó phát hiện chất nổ, chó tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự. 

Sẽ có rất nhiều chuyên môn khác nhau, tuỳ theo sở trường của từng chú chó mà ban huấn luyện sẽ định hướng và tập luyện phù hợp.

Huấn luyện bài bản, tuyển chọn gắt gao 

Theo Thiếu tá Trần Quốc Hương (Cụm trưởng, Cụm Cơ động chó nghiệp vụ 1, Trường Trung cấp 24 Biên phòng) cho biết chú chó trở thành cảnh khuyển tinh nhuệ, kề vai sát cánh cùng các chiến sĩ tham gia các công tác tìm kiếm, cứu hộ, được tuyển chọn theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Chó con mới sinh được lựa chọn theo tiêu chí: Ngoại hình đẹp, không có dị tật bẩm sinh, kêu, có tiếng sủa tốt, linh hoạt trong mọi động tác... Sau khi được lựa chọn sẽ được bấm mã số cho từng con chó.

- Giai đoạn 2: Chó được nuôi dưỡng, khi đến khoảng 3 - 4 tháng tuổi sẽ bước vào khóa huấn luyện. Giai đoạn này bắt đầu cho chó làm quen với dây cương, cổ dề, rọ mõm, tên gọi,..

Hằng ngày, các chú chó được rèn luyện theo các bài tập, tình huống và môi trường từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp để nâng cao sức chiến đấu, phát huy khả năng từ xử lý tình huống, phán đoán và đưa ra quyết định. Các chiến sĩ, huấn luyện viên sẽ xây dựng thao trường, bãi tập mô phỏng những trận thiên tai như sạt lở, công trình sập đổ để công tác huấn luyện đạt hiệu quả cao.

Tuổi đời trung bình của chó nghiệp vụ 10 - 12 năm. Ở độ tuổi từ 5 - 10 là thời có phong độ cao nhất, lúc này cảnh khuyển sẽ phát huy tối đa năng lực và thực thi nhiệm vụ tốt nhất. Từ 3 tháng tuổi, các chú chó sẽ được huấn luyện và dần rèn luyện nhiều kỹ năng từ đứng, nằm, ngồi, nghe mệnh lệnh, đánh hơi, ngửi, tìm kiếm đồ vật… Đến khoảng 1 tuổi, chó sẽ được chọn chuyên ngành, phù hợp với đặc điểm, ưu điểm của từng chú chó để hoạt động. 

Quan trọng nhất trong giai đoạn huấn luyện là rèn luyện sự kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Bên cạnh đó, bất cứ chuyên ngành nào chó cũng phải trải qua bài tập thể lực như chạy, bơi, vượt qua các vật cản…

Hiện nay, sẽ không có quy định cụ thể về quân hàm của chó nghiệp vụ tại Việt Nam. Song, trong biên chế của quân đội, chó nghiệp vụ được xếp vào loại vũ khí nhóm 1. Ngoài khả năng tấn công dũng mãnh, trung thành bảo vệ mục tiêu, “vũ khí đặc biệt” này còn có khả năng phát hiện thuốc nổ, ma túy, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hiệu quả... Qua đó, góp phần cùng lực lượng quân đội bảo vệ chủ quyền, an ninh của quốc gia và vùng biên giới.

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)