Cùng là rau bắp cải, nhưng bắp cải tím lại rất ít xuất hiện trên mâm cơm của các gia đình, dù giá trị dinh dưỡng của loại rau này cực lớn. Nếu so sánh các chất dinh dưỡng với bắp cải xanh mọi người hay ăn, rau bắp cải tím vượt trội hơn về mọi mặt. Đặc biệt đây còn là loại rau được mệnh danh là “nữ hoàng vitami A” khi chứa hàm lượng rất lớn loại vitamin này, vượt trội hẳn so với các loại rau cùng họ cải khác.
Bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, bắp cải nói chung là loại rau giàu các loại vitamin như A,C,E, đặc biệt trong bắp cải tím hàm lượng Beta-caroten (tiền chất vitamin A) nhiều gấp gần 10 lần so với bắp cải xanh. Cụ thể:
- Trong 100g bắp cải xanh có 29kcal, 5.3g glucid, 48mg canxi, 1.10mg sắt, 13mg magie, 190mg kali, 30μg vitamin C, 65μg Beta-caroten...
- Trong 100g bắp cải tím có 45kcal, 9g glucid, 83mg canxi, 0.50mg sắt, 16mg magie, 243mg kali, 60μg vitamin C, 670μg Beta-caroten...
Bắp cải tím rất giàu tiền chất vitamin A, tốt cho mắt và cải thiện được suy giảm trí nhớ. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Thủy, vitamin A và vitamin C trong bắp cải tím giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào não, tăng cường trí nhớ, chống lão hóa và giúp da đàn hồi tốt hơn. Đặc biệt, vitamin A còn tốt cho mắt, cải thiện thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giảm thiểu nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể.
Bắp cải tím còn giúp kiểm soát và duy trì cân nặng bởi loại rau này ít calo nhưng nhiều vitamin và khoáng chất, cùng với lượng chất xơ dồi dào, giúp tạo cảm giác no lâu, tốt cho đường ruột.
Bác sĩ Thủy cũng lưu ý rằng, khác với bắp cải xanh có thể luộc, xào hoặc hầm… bắp cải tím nên chế biến đơn giản nhất có thể để giữ được các chất dinh dưỡng có trong rau. Theo đó, nên ưu tiên trộn gỏi, làm salad với rau cải tím hơn là nấu nhừ, ngoài ra với người đau dạ dày, tiêu chảy không nên dùng rau cải tím khi còn sống vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.
Khi sử dụng bắp cải tím, tốt nhất nên ăn sống để nhận được nhiều dinh dưỡng hơn. (Ảnh minh họa)
Một vấn đề nhiều người cũng quan tâm là dùng rau bắp cải tím để ăn sống liệu có nguy cơ nhiễm các loại giun sán, ký sinh trùng vào cơ thể? TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc BV Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) cho biết, về nguyên tắc, các bác sĩ sẽ khuyên nên ăn chín, uống sôi để phòng bệnh do giun sán gây nên. Tuy nhiên, với các loại rau trên cạn, đặc biệt là rau bắp cải thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng có thể ít hơn nhiều so với rau thủy sinh.
Đặc biệt, có một số món ăn, một số loại rau, trong đó có bắp cải tím, dùng để ăn sống sẽ ngon hơn là nấu chín. Vì thế, mọi người nếu ăn sống thì cần lưu ý đến khâu vệ sinh trước khi ăn. Không chỉ làm sạch rau, mà cần vệ sinh bàn tay trước và trong quá trình chế biến để tránh lây nhiễm chéo.
“Đặc điểm của rau bắp cải là lá cuốn thành nhiều lớp và tạo thành hình quả, như vậy cũng sẽ hạn chế được nhiễm trứng của các loại ký sinh trùng hơn các loại rau lá khác. Khi sử dụng, nếu dùng ăn sống thì nên tách các lá rau ra, rửa từng lá dưới vòi nước chảy để trứng giun sán nếu có sẽ trôi hết”, bác sĩ Thọ hướng dẫn.