Loại quả mọc dại xưa không ai ăn, nay thành đặc sản có hương vị lạ được ưa chuộng, giàu vitamin

Google News

Từ thứ quả đen sì mọc hoang dại, mấy năm nay chúng thành đặc sản được người thành phố "săn lùng", không chỉ lạ miệng mà còn chứa nhiều vitamin C, A, kali, canxi và sắt tốt cho sức khỏe. 

Khi nhắc đến các loại quả rừng mọc hoang dại, vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe, chắc chắn không thể bỏ qua trái trâm rừng. 

Trái trâm gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ ở các miền quê, trong đó nhiều nhất ở An Giang. Chúng mọc thành từng chùm, có hình bầu dục, khi chín chuyển sang màu đỏ, tím, thậm chí đen bóng rất đẹp mắt, nhìn giống những quả nho bé xíu. Khoảng tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hàng năm là thời điểm trái trâm vào mùa. Lúc này, những trái trâm tím lịm, căng bóng trên cây, mời gọi ánh nhìn của bất kỳ ai đi ngang qua. 

Trái trâm mọc hoang dại ở núi rừng An Giang

Khi ăn, trái trâm có vị chua ngọt xen lẫn với chút chát nhẹ, kích thích vị giác. Ngày trước, cứ đến mùa trâm, đám trẻ con ở các miền quê rủ nhau đi hái, chọn những quả chín nhất, căng mọng nhất để ăn tại cây, hoặc chấm với muối ớt. Mỗi khi ăn thì miệng, răng, lưỡi đều chuyển sang màu tím. Trời càng nắng trái trâm càng ngon ngọt.

Những năm gần đây, trái trâm bất ngờ xuất hiện ở thành phố, trở thành đặc sản có hương vị lạ khiến ai cũng tò mò mua về ăn thử. Nghề hái trái trâm cũng mang về thu nhập cho người dân tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Bình quân 1 cây trâm có thể thu hoạch được 40 - 50 kg quả.

Trên chợ mạng, trái trâm được bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg tùy thời điểm. Người bán giới thiệu trái trâm có thể ăn trực tiếp như các loại quả khác, hoặc lắc muối ớt. Vỏ trái trâm rất mềm, khi xóc với muối rất dễ thấm, xóc qua 2-3 lần là mở ra ăn được luôn. Trái trâm vừa ngấm muối, pha thêm vị cay của ớt rất thích hợp với các chị em văn phòng thích ăn vặt. 

Thứ quả dại này thành đặc sản có hương vị lạ được người thành phố ưa chuộng

Ngoài ra, nhiều người còn dùng trái trâm ngâm với rượu hoặc đường, tạo nên rượu trâm hay nước siro giải nhiệt có màu sắc đẹp mắt, hương vị hấp dẫn. 

Ít ai biết được rằng, thứ quả dại từng rụng đầy gốc không ai ngó ngàng này lại có nhiều lợi ích với sức khỏe. Theo đó, trái trâm giàu vitamin C, A, kali, canxi và sắt, chứa cả chất xơ, chất chống oxy hóa và polyphenol.

Theo trang sức khỏe HealthShots (Ấn Độ), trái trâm có những tác dụng sau:

Kiểm soát lượng đường trong máu

Trái trâm có hàm lượng calo thấp, phù hợp với người giảm cân. Ngoài ra, chúng còn giàu chất chống oxy hóa polyphenol, đây là nhóm chất giúp giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định. 

Giàu chất xơ

Quả trâm giàu chất xơ giúp cảm thấy no lâu và hạn chế giảm tổng lượng calo nạp vào. Thêm vào đó, quả trâm còn cải thiện tiêu hóa và giúp giảm tích nước trong cơ thể, giúp giảm cân hiệu quả.

Giàu chất chống oxy hóa

Trái trâm chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do được giải phóng trong cơ thể có thể gây hại cho các tế bào và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường hoặc ung thư.

Trái trâm có nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe

Làm đẹp da

Quả trâm có đặc tính làm se khít lỗ chân lông, giúp bảo vệ da khỏi các vết thâm, mụn, nếp nhăn và mụn trứng cá. Hơn nữa, vitamin trong quả trâm cũng giúp làn da của bạn luôn nhẹ nhàng và tươi sáng. 

Tốt cho tim mạch

Trong mỗi 100 gram quả trâm có khoảng 55 mg kali, trong đó kali là chất có nhiều hữu ích đối với tim mạch, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim như: đột quỵ, xơ cứng động mạch…

Cải thiện sức khỏe răng miệng

Theo thông tin trên trang sức khỏe HealthShots (Ấn Độ), trái trâm có đặc tính kháng khuẩn có thể bảo vệ răng khỏi nhiễm trùng miệng và vi khuẩn. Chúng còn được sử dụng để giải quyết các vấn đề về nướu, gây đau nhức, ê buốt. 

Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhưng các chuyên gia khuyên rằng những người bị bệnh thận, người có cơ địa nhạy cảm hay phụ nữ mang thai và cho con chú không nên ăn quá nhiều trái trâm một lúc, sẽ dễ gặp một số phản ứng phụ. Theo đó, trái trâm giàu oxalate, có thể làm trầm trọng các vấn đề về thận. Việc tiêu thụ quá nhiều trái trâm có thể gây ra các tác dụng phụ như táo bón do chúng chứa hàm lượng tannin cao.

H.A

Bình luận(0)