“Dương Quá" U80 ở Sài Gòn, không vợ con, một tay chạy xe để bán món ăn đặc biệt, chị em thích mê

Google News

Xe chè gần 4 thập kỷ đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân Sài Gòn, không chỉ thơm ngon nức tiếng mà làm thực khách lưu luyến bởi sự vui tính, dí dỏm của ông chủ U80. Người ta gọi ông là "Dương Quá", cái tên đặc biệt ngỡ chỉ xuất hiện trong phim truyền hình.

Xe chè truyền thống ba đời, cái tên đặc biệt hút thực khách

Nép mình trên con đường Nguyễn Văn Thủ (Quận 1), cứ đến 5h chiều xe chè của cụ ông U80 lại tấp nập thực khách. Không chỉ vì chất lượng thơm ngon mà từ cái tên “Dương Quá” trên bảng hiệu đã thu hút sự chú ý. 

Xe chè Dương Quá được đặt theo tên một nhân vật trong phim “Thần điêu đại hiệp" và cũng là biệt danh gắn liền với chủ tiệm hơn chục năm nay. 

Hỏi về nguồn gốc của cái tên đầy thú vị, ông Võ Văn Thể (76 tuổi) - chủ của xe chè dí dỏm chia sẻ: “Trước đây, quán chè không có tên như bây giờ, khách hàng ghé mua người ta cứ hỏi quán mình tên gì để họ giới thiệu với bạn bè. Tôi thấy bản thân cũng giống Dương Quá trong bộ phim tôi từng xem trên truyền hình, nên lấy tên đó đặt cho xe chè luôn".

Sở dĩ, ông Thể xem mình giống "Dương Quá" bởi bản thân ông cũng mất đi cánh tay phải. Thời điểm đầu, ông bi quan tột độ khi bỗng từ lành lặn, ông trở thành người khiếm khuyết, mất đi một cánh tay...

Sự hài hước, dí dỏm của ông Thể khiến nhiều người thích thú.

Mất đi cánh tay, cuộc sống của ông Thể đảo lộn hoàn toàn, việc ăn uống, tự thay quần áo cũng gặp nhiều khó khăn. “Có khi tôi lại nằm khóc vì sợ tương lai không làm được gì ra tiền để trang trải cuộc sống" - ông Thể nghẹn ngào kể lại giai đoạn đen tối nhất cuộc đời mình. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực của mình cùng sự đồng hành của gia đình, ông Thể tập làm quen với cuộc sống mới và có thể sinh hoạt như người thường. 

Mỗi ngày, cứ đến 12h trưa ông cùng cô Nguyễn Thị Nữ (54 tuổi) - cháu dâu ông Thể bắt đầu dọn hàng, chuẩn bị tiếp đón những vị khách của mình. Cũng như biết bao quán cóc khác ở Sài Thành, xe chè Dương Quá không quá kiên cố, che mưa, che nắng bằng hai cây dù lớn cùng vài tấm bạt. Quán không có bàn, chỉ có ghế để khách dừng chân ngồi nghỉ và nhâm nhi món chè mát lạnh. 

Ly chè đặc quánh, được phủ lên trên là lớp nước cốt dừa béo ngậy, thực khách chỉ cần khuấy đều và thưởng thức. Món ăn chơi bình dân, giản dị nhưng đã chiếm lấy tình cảm của người Sài Gòn trong gần 4 thập kỷ vừa qua.

Đến nay đã gần 4 thập kỷ, xe chè Dương Quá trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Sài Gòn, đặc biệt là nhân viên văn phòng cũng như các thế hệ học sinh trong khu vực này. Chiếc xe chè tuy nhỏ nhưng lại “có võ", từ chè đậu đen, chè bà ba, chè đậu xanh, sương sa sương sáo, chè thập cẩm… tất cả đều được chính tay cháu dâu của ông Thể thực hiện kỳ công trong nhiều giờ. Vài năm nay, xe chè nhỏ của ông Thể kinh doanh thêm sữa chua, nước ngọt, cà phê phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Nói về khó khăn trong các công đoạn chế biến nguyên liệu, cô Nữ tiết lộ: “Mới ban đầu ra bán thì công đoạn nào cũng khó. Còn giờ đã mấy chục năm buôn bán nên quen tay, canh lửa nấu chè cũng chuẩn xác. Quan trọng nhất vẫn là ngâm đậu, để đậu mềm dẻo không bị sượng”. 

Đạp xe khắp nơi giao chè, chỉ cần khách "alo" là lập tức có mặt

Khi xưa ông Thể theo phụ giúp chị gái bán chè, từ đó được chỉ dạy công thức gia truyền và nối nghiệp. Ngày đầu, ông bán từ 1,500-2,000 đồng/ly. Đến nay, giá của mỗi phần dao động từ 15,000-20,000 đồng/ly phù hợp với học sinh, sinh viên và tất cả mọi người.

Trước đây, cô Nữ cho biết mỗi ngày bán đến hơn 300 ly chè, tay làm không kịp xuể. Nhưng hiện tại, do tình hình kinh tế khó khăn nên thực khách thưa thớt dần, trung bình mỗi ngày xe chè bán được khoảng 100-120 ly. Vào những ngày mưa tầm tã, quán chè đìu hiu, chỉ bán được vài chục ly.

Hiện ông Thể không thể trực tiếp vào bếp để nấu chè như ngày trước. Bởi lẽ, ở độ tuổi U80, người đàn ông này không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc, ông đành lui về sau hỗ trợ cháu dâu kinh doanh. Cứ có đơn hàng trong nội thành, ông cùng chiếc xe đạp cũ kĩ của mình để giao chè đến tận tay khách hàng.

Ông Thể có thể giao cùng lúc hàng chục ly chè, cứ có khách gọi là ông lại bon bon trên đường. Vừa đi giao, vừa dạo phố nên lúc nào ông cũng tươi cười, hạnh phúc.

Chỉ cần nhận được cú điện thoại đặt hàng, cô Nữ lập tức lên đơn, lật đật múc từng ly chè, cẩn thận thực hiện theo yêu cầu. Ông Thể tranh thủ phụ giúp đóng gói và lên xe di chuyển. Do sức khoẻ ngày càng suy giảm nên "Dương Quá" chỉ có thể giao ở những đoạn đường gần với xe chè của mình như đường Võ Thị Sáu, Trần Quang Khải, Điện Biên Phủ… Còn những đơn xa hơn, ông phải nhờ sự trợ giúp từ các tài xế công nghệ. 

Cô Nữ hài hước kể lại “tật xấu" của "Dương Quá": “Giờ ông lớn tuổi rồi nên tôi đứng bán chính, ông thì đi giao hàng hay ghé chợ nhập thêm nguyên liệu. Đôi khi giao hàng xong, ông còn ghé tâm sự cùng các chú bảo vệ, ông xe ôm… có hôm mãi tám chuyện quên cả giờ giấc đến khi tôi gọi điện thoại báo có đơn hàng cần giao, ông mới chịu về". 

Chị Ánh Hồng - vị khách quen của quán trong gần 1 năm nay cho biết: “Được đồng nghiệp giới thiệu quán của ông Dương Quá bán chè ngon lắm, nên tôi ăn thử cho biết. Đến giờ cũng gần cả năm, cứ mỗi khi thèm đồ ngọt thì lại đến. Chè ở đây vừa vị, chế biến sạch sẽ và quán luôn phục vụ trong tiếng cười nên tôi cảm thấy thoải mái”.

Trước đây, ông cùng chị gái đẩy xe chè qua khắp nơi ở thành phố. Đến năm 1989, xe chè đặt cố định ở đoạn đường Nguyễn Văn Thủ và buôn bán cùng cháu dâu của mình.

Do tự ti về gia cảnh của mình, nên từ trước đến nay, ông Thể không lập gia đình. Hiện tại, ông Thể sống cùng chị ruột và vợ chồng cô Nữ. Nhắc đến chuyện hôn nhân, ông cười giòn giã trả lời: "Gia đình tôi thiếu thốn, cơ thể không lành lặn, nên hồi đó không dám ngỏ lời với ai. Coi như không có duyên với chuyện tình cảm, cứ vậy mà sống thôi…”. Tuy miệng vừa cười, vừa đáp nhưng đâu đó trong ánh mắt, ông không thể giấu được nét đượm buồn.

Điều khiến "Dương Quá" hạnh phúc nhất đến hiện tại là vẫn còn đủ sức khoẻ để mưu sinh, giao được nhiều ly chè thơm ngon đến tận tay khách hàng. 

Cuối ngày, ông thu dọn đồ đạc, trở về nhà và tiếp tục sơ chế nguyên liệu, ngâm đậu, phụ cháu dâu nấu chè chuẩn bị cho ngày kế tiếp. "Làm quần quật cả ngày, đến tối tôi chỉ cần quây quần bên mâm cơm gia đình, ngả lưng xuống giường và xem phim truyền hình mà tôi yêu thích. Như vậy đã đủ làm tôi thấy hạnh phúc rồi..." - ông Thể nghẹn ngào tâm sự. 

Tuy cuộc sống của ông Thể chưa trọn vẹn, đủ đầy nhưng trong tâm trí của cụ ông U80 lúc nào cũng hướng về sự tích cực, luôn dí dỏm pha trò để bản thân thấy vui vẻ và tạo sự thoải mái cho khách hàng...

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)