"Đốt tiền" sắm đồ hiệu bị chê "phèn", U50 dân quê Việt diện áo dài lại khiến quan khách dinh tổng thống trầm trồ

Google News

Áo dài trong nước ít người để ý tới nhưng ra quốc tế lại trở thành món đồ đặc biệt. Chị Mai Tuyết Minh sắm cho mình hơn 100 bộ còn có một ý nghĩa khác.

Thời trang là khái niệm khiến nhiều chị em hưng phấn mỗi khi nhắc tới, nhất là giới trẻ. Càng thêm tuổi, quan niệm shopping mua sắm hay ăn diện điệu đà, lộng lẫy trong nhiều người lại khiêm tốn hơn xưa. Cộng thêm việc trải qua sinh nở khiến vóc dáng thêm phần xập xệ khiến nhiều chị em trung niên rụt rè trong khoản ăn mặc, làm đẹp. 

Với nhiều người, câu hỏi mỗi sáng mai thức dậy phải đối diện đó chính là: “Hôm nay mặc gì đi làm?” là bài toán giải đáp mãi không xong. Thực tế, thời trang công sở không khó, có lẽ chỉ khó với những ai chưa thấu hiểu được bản thân mình mà thôi. Câu chuyện của một "chị mẹ U50" dưới đây có thể sẽ gỡ nút thắt rối ren đó cho bạn.

Group bàn luận về công thức nấu ăn nhưng lại xuất hiện bài đăng về Thời trang là điều ngạc nhiên. Song thú vị hơn, bài chia sẻ của chị Mai Minh lại thu về lượng tương tác rất khủng. Có gì hay ở câu chuyện kể về thời trang này?

Chị có từng chia sẻ rằng, bản thân mặc áo dài khi còn ở Việt Nam nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhưng khi ra quốc tế lại được khen ngợi. Chị có thể tiết lộ cụ thể hơn về những bình luận khi ở trong nước này không?

Mình được sinh ra trong thời khắc đất nước còn tem phiếu, kinh tế nhiều khó khăn. Mẹ mình lại làm việc trong quân đội nên cuộc sống của các chị em trong gia đình thiếu thốn đủ thứ. Hồi bé mình mắc chứng còi xương, chân cong hình chữ O nên ngoại hình khá lùn và bé. Do đó, bạn bè hay nhiều người thường trêu là “mặt như cái bàn tay chéo, trước sau phẳng lì, da đen đen bẩn bẩn, chẳng có nét gì mờ mờ nhạt nhạt, sau này ai lấy?”... Những câu nói từ tuổi thơ như vậy cứ ám ảnh và định hình trong tâm trí mình là một đứa con gái rất xấu xí. 

Thời con gái, mình cũng không dám ăn diện, phấn son hay dám chơi bời mà chỉ cắm đầu vào học và đọc rất nhiều sách. Dường như tri thức đã gieo mầm trong mình lối suy nghĩ vượt khỏi vùng an toàn, tạo điều kiện cho sự nghiệp phát triển tại bến đỗ mới ở Italy và thành lập công ty riêng. Tại trời Tây, do tính chất công việc nên mình thường xuyên phải đi họp hành, gặp gỡ các quan khách và đối tác. 

Trong một lần quá vội vì muộn giờ họp nên mình mặc đại một bộ áo dài. Điều bất ngờ là mình khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên tới trầm trồ. Lúc này, mình mới vỡ lẽ ra: "Cứu tinh của cuộc đời tôi đây rồi!". Từ đó, mình mặc áo dài trong tất cả các cuộc họp hành, đãi tiệc, thậm chí đến những tòa nhà có tuổi đời hàng thế kỷ như lâu đài, biệt thự, nhà hát, nhà thờ, dinh tổng thống... 

Bạn biết đấy, những nơi như vậy thường có cách bài trí, họa tiết trang trí lộng lẫy từ thời Phục Hưng, Roman. Áo dài của Việt Nam ta đơn giản nhưng lại sang trọng và vô cùng nổi bật trong bối cảnh đó. Nhờ có tà áo dài mà mình có nhiều cơ duyên và thuận lợi hơn trong việc ngoại giao, các quan khách đều chủ động tiến tới bắt chuyện và khen ngợi: “Em đẹp lắm, trang phục của em sang trọng và lịch sự quá!”. Thậm chí có cả cựu quan chức của chính phủ Italy còn đặt biệt hiệu cho mình là “Ngọt ngào châu Á”. Lúc này, câu hỏi mình thường được hỏi nhiều nhất là “Bạn từ đâu đến?”, như chỉ chực trả lời, mình luôn dõng dạc và tự hào: “Tôi đến từ Việt Nam”.  

Áo dài nhung được chị Mai Minh ưu ái diện trong cuộc gặp gỡ với đại sứ Việt Nam tại toà đại sứ Việt Nam tại Italy.

Chị mẹ U50 diện áo dài họa tiết thêu công phượng trong tấm ảnh chụp cùng giáo sư đại học Pavia tại nhà thờ 1200 tuổi.

Chị Mai Minh trong bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt tại Lyon Pháp.

Người phụ nữ Việt Nam thướt tha với tà áo dài trắng tại sảnh vào phòng đãi tiệc trong dinh tổng thống Italy.

"Nữ cá mập" ngành Chuỗi cung ứng và Đàm phán thương mại quốc tế diện thiết kế nhung đỏ, đính cườm trang trọng chụp hình cùng thị trưởng thành phố Como tại nhà hát cạnh nhà thờ lớn Como.

U50 là mẹ 1 con diện áo dài thanh lịch trong cuộc họp với cựu chánh án toà án nhân dân tối cao Italy tại khách sạn hạng sang nơi còn giữ nguyên phong cách từ các đời vua Italy.

Chị nghĩ bạn bè quốc tế dành lời khen cho áo dài là do món quốc phục của nước mình lạ hay do bản thân mình đẹp?

Chúng ta cứ nói Việt Nam không có thiết kế gì đặc sắc. Mình xin khẳng định, ông cha ta đã để lại cho hậu thế một thiết kế cực kỳ hoàn hảo, phù hợp với vóc dáng sinh học của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài kín đáo che đi những cái chưa đẹp nhưng vẫn tôn lên điểm gợi cảm nhất của người phụ nữ. Món thời trang còn phù hợp với mọi lứa tuổi, vóc dáng, kể cả với người “vịt bầu, chân ngắn, lưng dài như mình”.

Ông xã lần đầu tiên nhìn thấy mình mặc áo dài anh đã sững sờ một hồi lâu. Mỗi khi được quan khách khen đẹp, mình có hỏi vui anh chồng rằng người ta nói thật hay chỉ khen xã giao thì anh ấy luôn nghiêm túc nhắc lại: “Em nhớ cảm giác lần đầu tiên anh nhìn thấy em mặc áo dài không, em đẹp đến ngỡ ngàng thì quan khách lần đầu nhìn thấy áo dài cũng vậy đó. Họ nói thật đấy!

Là người có vóc dáng nhỏ nhắn và độ tuổi trung niên, chị có bí kíp gì khi mặc áo dài để mình xinh đẹp nhất? 

Mình cũng U50 rồi nên ngày càng thấp đi và… phát triển thêm bề ngang do vậy mình hay lựa vải nhung không có hoa văn màu trầm, có độ rủ, co giãn tốt để bản thân gọn gàng, hợp tuổi và sang trọng, phù hợp với công việc. Vải nhung lại thoải mái trong các hoạt động di chuyển, giữ ấm trong thời tiết giá lạnh của châu Âu. 

Xếp sau nhung chắc chắn là gấm. Chất liệu này cũng có ưu điểm là co giãn và không phải là ủi nhiều. Cuối cùng là lụa vì lụa cần chăm sóc tỉ mỉ, mất nhiều thời gian với người bận rộn như mình. Thêm vào đó, khổ vải của lụa cũng bé hơn khổ vải của nhung và gấm nên khi may hết mép vải vẫn gây kích bề ngang, mặc áo rất khó chịu. 

Về kiểu cách, mình luôn ưu tiên may áo dài truyền thống cổ 3, 4 phân hoặc không cổ rồi đổi tông màu vải. Màu trầm mặc trong những sự kiện quan trọng, tiệc vào buổi tối ở các tòa nhà có kiến trúc, trang trí lộng lẫy. Loại sáng màu, họa tiết sặc sỡ mình chọn mặc vào ban ngày, khi dự sự kiện hoặc gặp gỡ đối tác ngoài trời, tiệc sân vườn, nơi có bối cảnh thiên nhiên. 

Ở môi trường làm việc phải ngoại giao nhiều, chị có bí kíp gì để cho những lần xuất hiện với áo dài của mình không bị cộp mác đơn điệu? 

Mình có các bộ phụ kiện như nhẫn, vòng cổ, hoa tai để thay đổi. Những món đồ nhỏ này không đắt tiền lắm đâu! Bí quyết này là mình học từ mẹ chồng. Bà luôn luôn làm mới mình, mỗi ngày bà lại có một cái gì đó khác. Rất nhiều sự kiện mình đã mượn trang sức của mẹ chồng. Trang sức của mẹ chồng có tuổi đời cả mấy chục năm nhưng khi kết hợp với áo dài lại cực kỳ ăn nhập. Bản thân mình cũng thường xuyên quan sát cách mọi người ăn mặc để học hỏi làm sao “nhập gia tùy tục”. Chính nước Ý đã dạy mình phong cách phối đồ từ những chất liệu mang từ Việt Nam qua. 

Đi xa quê, chị đặt may áo dài hay mua sẵn? Liệu có khó khăn gì trong khâu shopping/ may vá này không?

Mình đã đôi lần mua áo dài may sẵn nhưng đúng là chất liệu và dáng áo chưa được như mong muốn nên từ đó, mình tự lựa chất liệu và đặt may theo số đo riêng. Rất may mắn, tính chất công việc giúp mình có cơ hội di chuyển giữa hai nước. Mỗi lần về Việt Nam, mình đều phải ở lại làm việc cả tháng trời nên luôn có thời gian lựa vải, may đo, mặc thử, chỉnh sửa cẩn thận. Do đó, những chiếc áo mình hay mặc là những áo rất ưng ý. 

Chị có ước lượng được mình có bao nhiêu set áo dài không? Bộ đắt nhất/rẻ nhất là bao nhiêu?

Thú thật, hiện tại mình đã có khoảng 100 bộ áo dài và tất nhiên, con số này sẽ không dừng lại. Mỗi lần may, mình thường may 5-6 bộ. Có những bộ mua sẵn 500K đến 1 triệu đồng nhưng vì không ưng nên mình không mặc nữa. Sau này, chọn may đo theo số đo riêng nên mỗi bộ trung bình rơi vào khoảng 2 triệu, có bộ đắt nhất là 14 triệu.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của người thường phải ngoại giao, đàm phán như chị về trang phục mình diện là gì? Có bao giờ xảy ra tai nạn hay sự cố gì chưa?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi đang ngồi trong cuộc họp, bàn chủ tọa gồm các cựu quan chức chính phủ Italy, bàn của mình ngay cạnh bàn chủ tọa. Một thành viên trong bàn chủ tọa đã nói với sang bàn của mình ngồi và với người bên cạnh là họ may mắn vì được ngồi cạnh tôi “Ngọt ngào châu Á”. Chồng mình cũng nghe thấy câu đó và về cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy mãi.

"Ngọt ngào châu Á" diện thiết kế cổ truyền trong bữa tiệc tối trang trọng.

Áo dài Việt Nam còn được "chị mẹ" làm mới với nhiều kiểu dáng cổ, thậm chí phối hợp cả âm hưởng của áo bà ba.

Tai nạn lớn nhất về thời trang là có lần mình đi công tác ở Rome và ở khách sạn 5 sao. Tối hôm trước họp và tiệc đến gần 2 giờ sáng nên hôm sau mọi người trong đoàn chủ động giờ ăn sáng. Lúc đó là mùa hè nên mình liền mặc quần soóc ngắn te tua xuống ăn sáng rồi tiện ra phố luôn. Ai ngờ vừa lấy đồ ăn vào bàn ngồi thì gặp ánh mắt của phu nhân một vị trong đoàn ngồi ở bàn khác nhìn hơi thiếu thiện cảm. Ngay lập tức mình liền lên thay đồ luôn và cho đến tận bây giờ vẫn nhớ ánh mắt đó. Đó có thể là sự cố trang phục nhớ đời của mình.

Ông xã chị có bao giờ can thiệp vấn đề ăn mặc của chị không? Hẳn anh ấy rất mến áo dài của quê vợ nhỉ?

Đúng vậy! Ông xã rất thích mình mặc áo dài. Mỗi lần mình mặc áo dài, anh tự hào vô cùng nên gần như anh không can thiệp gì vào trang phục của mình cả. Anh hay hỏi ý kiến là anh nên mặc thế nào để hợp với áo dài của mình. Anh yêu thích áo dài đến nỗi bắt mình mua một bộ áo dài cho anh và lúc nào có sự kiện gì có thể mặc được áo dài là anh mang ra mặc ngay. 

Lạ kỳ là mỗi lần mặc áo dài, anh rất chăm chụp ảnh. Chụp với tất cả mọi người có thể như kiểu “Tôi hãnh diện về bộ áo dài của tôi lắm. Tôi muốn khoe với cả thế giới”. Lúc đó nhìn anh vừa buồn cười vừa đáng yêu. 

Nếu nói đến can thiệp vẻ ngoài của mình thì anh không muốn mình trang điểm. Anh nói mặt mộc của mình đẹp lắm rồi, không cần trang điểm thêm làm gì. Mình hay tự ti về cái mũi to bè và không cao nên thường cố gắng vẽ sống mũi thì anh gào lên: “Không cần làm gì hết. Mũi để nguyên như vậy mới đẹp rồi hay rình góc nghiêng của mình để chụp ảnh. Mà mình nói thật, mình rất tự ti về góc nghiêng của mình.”

Cảm ơn những chia sẻ thú vị về câu chuyện thời trang của chị Minh Mai. 

ANH VŨ

Bình luận(0)