Chiến thuật đăng ký nguyện vọng ở giai đoạn nước rút
Bộ GD-ĐT quy định từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh có quyền đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên trang tuyển sinh chung của Bộ. Sau mỗi lần thay đổi, thí sinh cần thực hiện đầy đủ các bước và nhắn tin lấy mã xác nhận để xác nhận đăng ký.
Tất cả các nguyện vọng xét tuyển được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển. Như vậy, còn hơn 6 ngày để các thí sinh đăng ký và điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng, đây được xem là giai đoạn nước rút.
Thí sinh không nên chỉ lựa chọn top trường quá cao mà phân theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3... để đảm bảo nếu nguyện vọng 1 không như ý, thí sinh vẫn còn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3… (Ảnh minh hoạ)
Tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 diễn ra ở Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi sắp xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
"Cách đặt nguyện vọng tốt nhất là ngành nào yêu thích nhất, trường nào mình thích nhất thì đặt ở vị trí nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) dù điểm thi có thể thấp hơn điểm chuẩn năm trước một ít", ông Bảo tư vấn.
Đối với các thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn muốn đăng ký xét tuyển tiếp vì ngành trúng tuyển sớm chưa ưng ý, ông Bảo chia sẻ: "Hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thiết kế theo nguyên tắc tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn và trúng tuyển vào ngành mình yêu thích, trường tốt nhất, theo đúng nguyện vọng của thí sinh. Cho nên thí sinh mong muốn học trường nào nhất, ngành nào nhất thì đặt nguyện vọng đó cao nhất, rồi đến các nguyện vọng thấp hơn, cuối cùng mới ghi nguyện vọng mình đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm.
Khi hệ thống xét từ trên xuống dưới các em sẽ chắc chắn trúng tuyển. Bộ GD-ĐT không hề hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký nên các em có thể đăng ký thoải mái, còn việc lọc ảo là của các trường. Đừng dại dột ngay lúc này kết thúc cuộc chơi bằng cách ghi nguyện vọng 1 ngành mình đã trúng tuyển sớm, trong khi mình vẫn còn mong muốn chọn ngành, chọn trường yêu thích hơn".
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Phúc tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" tư vấn: "Từ điểm sàn công bố của các trường đến điểm xét tuyển có nhiều ngành chênh nhau rất lớn, thậm chí có trường điểm sàn là 22 điểm, nhưng điểm trúng tuyển là 29 điểm. Các thí sinh dù có nhiều lựa chọn, nhưng trước nhiều ngành học vẫn trăm mối tơ vò bởi chưa biết thích học ngành nào. Việc chọn ngành học liên quan mật thiết đến tương lai sau này, từ hôm nay đến ngày 30/7 là thời gian để phụ huynh và thí sinh cùng cân nhắc.
Trước hết các thí sinh hãy chọn ngành mình yêu thích, sau đó chọn trường có ngành đó theo thứ tự điểm chuẩn để đặt nguyện vọng. Nguyên tắc cần nhớ, ngành học và trường mình mong muốn hãy đặt ở nguyện vọng 1, sau đó đến nhóm trường tiếp theo. Tất cả nguyện vọng bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia".
ThS. Nguyễn Thảo Chi, Trưởng phòng Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: "Do phổ điểm năm nay có tăng nhẹ, nên các thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung trên cơ sở xem xét chỉ tiêu và điểm chuẩn trong 3 năm gần nhất mà mình muốn đăng ký xét tuyển. Với xu hướng liên ngành - đa ngành trong giáo dục đại học, các em nên có thêm những phương án nguyện vọng dự phòng là ngành gần hoặc các ngành có cơ hội việc làm tương đối giống nhau… để tăng khả năng đỗ của mình vào lĩnh vực yêu thích".
Những sai lầm đăng ký xét tuyển khiến thí sinh đậu thành rớt
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đã công bố điểm sàn của phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là mức điểm thấp nhất mà thí sinh được đăng ký xét tuyển vào trường, chưa phải là điểm trúng tuyển. Điểm chuẩn hay điểm trúng tuyển là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn có thể lớn hơn nhiều so với điểm sàn khi số thí sinh đăng ký thi nhiều, trong khi chỉ tiêu thấp.
Ví dụ năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dao động từ 26,8 - 28,3 điểm, trong khi điểm sàn 20 điểm.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít thí sinh, phụ huynh nhầm lẫn điểm sàn là điểm trúng tuyển nên đăng ký, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển không hợp lý dẫn đến rớt đại học.
Các chuyên gia tư vấn thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng quá ít, dẫn đến giảm cơ hội trúng tuyển (Ảnh minh hoạ)
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết: "Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay mặc dù theo thống kê có cao hơn tuy nhiên mặt bằng chung điểm chuẩn của các trường đại học tăng hay giảm còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: chỉ tiêu của phương thức tốt nghiệp, số lượng đăng ký vào ngành đó... Các em thí sinh không nên quá quan tâm vào điềm sàn đã được công bố. Có ngành có trường sàn 18-19 nhưng chuẩn có khi trên 27 sẽ gây sốc cho các em. Do vậy các em nên tham khảo điểm chuẩn của các ngành/của trường mong muốn năm trước hoặc vài năm trước, sẽ chính xác và tin cậy hơn".
TS Lý chia sẻ thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhưng cũng không nên chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. "Khi đăng ký xét tuyển thí sinh hết sức lưu ý: các em cần xác định một danh mục những nguyện vọng mà mình mong muốn. Danh mục này chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1, là nhóm mong muốn cao độ nhưng khả năng còn chưa tương xứng, chưa biết thế nào. Đã có chuyên gia khuyên không nên đăng ký nguyện vọng 1 với ngành/trường mong manh đậu rớt này, nhưng theo tôi ngành mơ ước nhưng chưa chắc chắn thì lại càng đặt lên nguyện vọng ưu tiên trước.
Nhóm 2 là nhóm tự tin và vừa sức, bao gồm cả những nguyện vọng các em chưa đỗ nhưng so với điểm chuẩn các năm trước hay dự kiến phổ điểm của năm nay khả năng đỗ là cao và cả những nguyện vọng đã xét tuyển sớm….
Nhóm 3, là nhóm đăng ký ngành/trường không thực sự muốn lắm. Đây là nhóm an toàn để chống trượt, tránh các rủi ro".
Trong nhiều lần tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đặc biệt nhấn mạnh: "Những thí sinh đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ. Năm trước nhiều thí sinh rớt oan do không biết rõ cách thức đăng ký nguyện vọng, trong đó đặc biệt là những thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống chung của bộ".
Bà Thủy tư vấn không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, mà nên cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng (có các ngành mình yêu thích và có các ngành có cơ hội đậu cao) để hạn chế rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.