Chồng đưa 5 triệu bảo tiêu cả tháng, tôi vui vẻ đồng ý nhưng sau 1 tuần đã khiến anh dốc ví nộp cho vợ

Google News

Để chứng minh sự minh bạch trong tài chính, mỗi ngày đi chợ về tôi đều phải kê khai các khoản đã chi từ mớ rau, củ hành, cuối tháng anh đối chứng.

Thời gian đầu mới cưới, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi khá êm ả bởi vợ chồng cùng đi làm, tôi chủ động tài chính. Tuy nhiên cách đây 1 năm, do công ty làm ăn khó khăn, tôi kém may mắn nằm trong danh sách bị cắt giảm nhân sự, mất việc làm thì cuộc sống gia đình bắt đầu đảo lộn.

Trong thời gian chưa tìm được công việc mới, tôi ở nhà lo nội trợ. Lúc đầu chồng cũng vui vẻ đưa thẻ lương cho vợ chủ động lo liệu nhưng chỉ được vài tháng là anh bắt đầu giám sát, quản lý chi tiêu của vợ. Mỗi lần thấy tôi rút tiền, anh lập tức nhắn tin, gọi điện tra hỏi:

“Em lại rút tiền làm gì thế? Mới rút hôm trước, nay lại rút, cứ thế này, tôi có làm còng lưng cũng không đủ cho cô tiêu”.

Chồng tôi liên tục tra hỏi vợ việc chi tiêu. (Ảnh minh họa)

Khi bị chồng tra hỏi về tiền nong, tôi mệt mỏi, ức chế vô cùng. Thậm chí để chứng minh sự minh bạch trong tài chính, mỗi ngày đi chợ về tôi đều phải kê khai các khoản đã chi từ mớ rau, củ hành, cuối tháng anh đối chứng. Cũng bởi sống cảnh phụ thuộc tài chính nên từ ngày mất việc, tôi chẳng dám mua sắm cho bản thân song chồng động chút vẫn mắng tôi tiêu hoang phá hoại. Rồi lo vợ giấu tiền làm của riêng nên đưa thẻ lương cho tôi được 5 tháng, anh liền đòi lại. Sau đó quy định:

“Từ nay mỗi tháng tôi chỉ đưa cho cô 5 triệu. Cô liệu mà chi tiêu cho đủ, thiếu tự bù, đừng đòi hỏi đưa thêm”.

Quá hiểu tính chồng, mọi việc anh phải nhìn thấy thực tế mới chịu tiếp nhận nên tôi cứ cầm tiền, dạ vâng cho xong.

Giữ 5 triệu chồng đưa, tôi vẫn duy trì đi chợ nấu cơm, lo tròn bổn phận người vợ như anh yêu cầu. Tối 7h chồng về tới nhà là cơm canh tươm tất dọn lên bàn, anh chỉ việc thay đồ, ngồi vào ăn. Nhưng nếu trước đó, mỗi bữa tôi đều nấu 2, 3 món mặn, bát canh, đĩa rau đầy đủ thì giờ mâm cơm tôi nấu đơn giản chỉ đậu luộc, lạc rang, hoặc quả trứng hấp hoặc vài con cá khô là đủ. Chồng tôi trước nay vốn quen vợ nấu nướng cầu kỳ, nhiều món, giờ ăn đạm bạc, khó chịu ra mặt.

Tôi duy trì cả tuần như thế, các món cứ vậy đảo nhau, sang tới tuần thứ 2, anh nổi khùng quát vợ:

“Cô có làm sao không thế? Ngày nào cũng bắt chồng ăn đậu luộc, cá khô, làm sao nuốt nổi. 5 triệu tôi đưa, cô giấu làm quỹ riêng hay mang hết cho bố mẹ đẻ mà lại để chồng ăn uống thế này?”.

Tôi không đôi co mà vào lấy cuốn sổ chi tiêu đưa chồng, nói rõ:

“Tiền anh đưa tôi tiêu có khoản, có tên: Bỉm sữa của con 2 triệu, điện nước 1 triệu, còn lại ma chay, cưới hỏi đủ thứ việc cần tiền…  Anh tự tính đi, nghĩ 5 triệu anh đưa tôi là to, có thể mua sơn hảo hải vị để chồng ăn chắc? Nói thẳng ra, chỉ với số tiền ấy mà có đậu luộc, cá khô ăn là tốt rồi. Còn anh giỏi thì từ nay tự chi tiêu lấy. Tôi sẽ đưa tiền dư còn lại để anh tiêu cho thấm”.

Không nhẫn nhịn thêm, tôi trả lại tiền cho chồng tự chi tiêu. (Ảnh minh họa)

Nói rồi tôi lấy 1 triệu trong ví để xuống bàn. Anh tức tối bảo:

“Được. Để đó, từ nay tôi sẽ phụ trách chi tiêu. Cô mở mắt ra mà xem”.

Đúng giao hẹn, ngay hôm sau tôi chỉ ở nhà dọn dẹp, chăm con. Chồng tôi đi làm về thì đi chợ. Tôi cũng tranh thủ liệt kê một danh sách đồ cần mua cho anh. Quả nhiên về tới nhà, mặt anh méo xệch, vò đầu nhăn nhó than:

“Kinh khủng quá, đi chợ có 30 phút mà tiêu hết gần 2 triệu bạc. Tiền trượt giá quá”.

Lúc này tôi mới nhẹ nhàng tới cạnh anh, hất cằm hỏi:

“Sao rồi. Anh chi tiêu thế nào để em còn biết đường mở mắt học hỏi?”.

Biết mình đã sai, anh cười trừ giải thích:

“Vợ thông cảm, tại lâu nay có vợ lo nội trợ, anh không biết giá cả chi tiêu thực tế thế nào. Thôi từ mai anh sẽ đưa lại vợ thẻ lương của anh, để em chủ động chi tiêu”.

Thế là từ hôm ấy, chồng tôi không bắt bẻ chuyện tài chính, kinh tế với vợ nữa.

NẮNG

Bình luận(0)