Luật khám bệnh, chữa bệnh mới
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024, thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Với 12 chương, 121 Điều (tăng 3 chương và 30 Điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.
Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng.
Bên cạnh đó, Luật mới bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; người bị các bệnh như tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.
Về chất lượng chuyên môn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thay thế tên gọi của “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” thành “Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.
Phương thức cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 05 năm và để được gia hạn Giấy phép hành nghề thì phải đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.
Việc chuyển đổi từ “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” được cấp trước ngày 01/01/2024 sang “Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 05 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi.
Có thể đăng ký thường trú, tạm trú trên VNeID từ 1/1/2024
Thông tư 66/2023/TT-BCA, có hiệu lực từ 1/1/2024, sửa đổi Điều 3 tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và thông báo kết quả giải quyết thủ tục về cư trú của Thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú được thực hiện dưới các hình thức sau:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;
- Trực tuyến qua cổng dịch vụ công;
- Ứng dụng VNeID;
- Dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ ngày 1/1/2024, quy định mới xác định người dân có thể thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú trên ứng dụng VNeID. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục về cư trú qua ứng dụng VNeID được triển khai thực hiện khi bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và do Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quyết định.
Bên cạnh đó, Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi khoản 2 Điều 4 thông tin phản ánh về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức được tiếp nhận thông qua các hình thức dưới đây:
a) Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;
b) Điện thoại, đường dây nóng do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
c) Hòm thư góp ý, hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
d) Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương;
đ) Qua ứng dụng VNeID và các phương tiện thông tin đại chúng.
5 trường hợp bác sĩ có thể từ chối khám, chữa bệnh
Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024, có 5 trường hợp người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp 1, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình. Tuy nhiên, nhân viên y tế phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Trường hợp 2, việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Trường hợp 3, người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.
Trường hợp 4, người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Trường hợp 5, người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Ngoại trừ 5 trường hợp trên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng cấm nhân viên y tế "từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh". Người bệnh cũng có quyền "được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh.
Thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Ngày 6/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2024 này gồm: Tiêu chuẩn và phân loại khám sức khỏe; khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; quản lý và kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị; khám sức khỏe tuyển sinh quân sự.
Bên cạnh đó, khám sức khỏe tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ; tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện sau khi sơ tuyển sức khỏe.
Về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP nêu rõ, tiêu chuẩn chung là phải đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư 105/2023/TT-BQP.
Đặc biệt, theo thông tư, không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Ngoài ra, công dân phải đáp ứng một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Việc sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe và giám định sức khỏe sau 1/1/2024 thực hiện theo quy định tại Thông tư 105/2023/TT-BQP.
Chính sách mới này có hiệu lực từ 1/1/2024.
Quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa
Một chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2024 là Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 quy định khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa.
Nghị định nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương: gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.
Nghị định cũng quy định các trường hợp không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa khi thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau thì không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa: bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; bị xử phạt vi phạm hành chính về: hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; bị xử phạt vi phạm hành chính về: vi phạm quy định về trật tự công cộng; hành vi đánh bạc trái phép; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018 của Chính phủ, cả nước có hơn 20 triệu trong tổng số hơn 23 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình Văn hóa" (đạt tỷ lệ trên 89%); gần 67.500/87.126 khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn Văn hóa," "Làng Văn hóa," "Ấp Văn hóa," "Bản Văn hóa," "Tổ Dân phố Văn hóa" (tỷ lệ trên 77%).
Các gia đình văn hóa tiêu biểu đã trở thành những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, trở thành những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chính sách mới này có hiệu lực từ ngày 30/1/2024.
Cho phép đấu thầu tập trung thuốc hiếm
Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 1/1, bổ sung quy định có thể mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít, nhằm bảo đảm khả thi trong đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.
Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục tập trung nếu đáp ứng điều kiện, được áp dụng hình thức đàm phán giá. Luật thông qua cũng bổ sung quy định, nhiều cơ quan, tổ chức có nhu cầu mua sắm cùng loại, có thể gộp thành gói thầu để một cơ quan mua sắm tập trung. Mua sắm tập trung phải qua đấu thầu rộng rãi. Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua để phòng, chống dịch bệnh, được chỉ định thầu.
Luật cũng bổ sung quy định cho bệnh viện có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Bên trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, nhưng chỉ được chuyển giao quyền sử dụng, không được chuyển giao quyền sở hữu thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. Luật cũng quy định thời hạn thực hiện sẽ theo hợp đồng nhưng không quá 5 năm.
Đây là phương thức mới được đưa vào luật để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện mua hóa chất gắn với "máy đặt, máy mượn", đảm bảo tính khả thi, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện. Ngoài ra, thời hạn áp dụng 5 năm là phù hợp với thực tiễn, đủ đảm bảo thời gian để chuyển sang hình thức khác công khai, minh bạch hơn.
Mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố tại TP HCM
Nghị quyết 15/2023 của HĐND TP HCM quy định mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, hiệu lực từ ngày 1/1. Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe 50.000-350.000 một m2 mỗi tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác 20.000-100.000 đồng một m2 mỗi tháng tùy theo khu vực.
Về cách tính thời gian thuê, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng tính nửa tháng; từ 15 ngày trở lên trong một tháng sẽ tính một tháng.
Mức phí được áp dụng theo giá đất bình quân tại 5 khu vực (mỗi khu vực sẽ có tuyến đường trung tâm và các tuyến còn lại). Khu vực 1 gồm quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, Phú Nhuận, Khu A - Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu vực 2 gồm quận 2 (nay thuộc thành phố Thủ Đức, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ Khu A - Khu Đô thị mới Nam Thành phố), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
Khu vực 3 gồm quận 8, quận 9 (nay thuộc thành phố Thủ Đức), quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc thành phố Thủ Đức), Tân Phú, Gò Vấp. Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Khu vực 5 gồm huyện Cần Giờ.
Chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động Việt Nam
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Chính phủ đưa ra tại Nghị định số 70/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020 về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/1.
Theo đó, sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động chỉ tuyển người nước ngoài nếu không tuyển được người lao động Việt Nam.
Về thời hạn xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.