Có rất nhiều loại cây cỏ mọc hoang dại ở khắp bờ mương, bờ ao, đồng ruộng, mọi người thường nhổ vứt đi nhưng thực chất có thể làm thành món ăn ngon. Trong số đó phải kể tới rau bợ.
Rau bợ nước phân bố chủ yếu ở các nước nằm trong vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới như Trung Quốc, một số nước châu Âu và châu Mỹ. Tại Việt Nam, rau bợ thích hợp với nơi thổ nhưỡng nhiều nước, ẩm và ít nắng nên xuất hiện nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và các tỉnh Bắc Bộ.
Rau bợ mọc dại ở các miền quê
Về đặc điểm bên ngoài, cây rau bợ có lá và thân rất giống với cây me đất nhưng chúng lại sống thuỷ sinh. Cây rau bợ ra hoa vào tháng 5-6 hàng năm, hoa màu trắng hoặc vàng, trông giống hoa sam nhưng có kích thước nhỏ hơn.
Trước đây, người dân thường hái rau bợ ở những vùng đồng ruộng, bờ mương hoặc các vùng đầm lầy để chế biến thành các món ăn ngon. Rau bợ bùi, vị hơi chua chua của me và hơi tanh của giống rau diếp cá. Từ rau bợ có thể ăn sống hoặc nấu canh chua cá.
"Mình còn nhớ ngày trước ở góc ao hoặc góc mương hay có rau bợ. Giống rau này thân nhỏ nhưng vị hấp dẫn, tạo vị chua cho món ăn.
Vì chúng mọc ở dưới nước nên sau khi hái về, mẹ thường dặn tôi phải ngâm nước muối cho sạch bùn hoặc các con sinh vật bám trên thân. Rau bợ ngon nhất là nấu cùng cá vặt, gồm các loại cá có kích thước bé. Vị chua thanh của rau bợ làm cho món ăn thêm hấp dẫn, ai ăn thử một lần cũng nhớ mãi không quên", bạn Hải Anh (ở Binh Bình) kể.
Hải Anh nói thêm, hiện nay rau bợ trong tự nhiên khá hiếm, cũng không được trồng để bán như các loại rau khác nên không dễ mua được. Ở các chợ quê thỉnh thoảng vẫn có người mang rau bợ ra bán nhưng cũng chỉ vài bỏ, phải đi chợ sớm mới mua được.
Thứ rau này làm thành món ăn ngon và có những công dụng với sức khoẻ mà ít người biết
Cũng nhớ về cây rau bợ, bạn Minh Phương (ở Nghệ An) kể: "Nếu nhìn lần đầu, chắc chắn bạn sẽ nhầm rau bợ với chua me đất vì lá đều có hình tim chụm lại nhưng chúng khác nhau. Rau bợ sống dưới nước còn chua me ở trên cạn. Cây này ăn sống với các loại rau ghém khác cũng rất ngon, tạo vị chua hấp dẫn.
Ngày trước đến mùa, tôi thường ra bờ ao hái rau bợ về nấu canh chua hoặc xào. Bây giờ rau bợ khó kiếm, mỗi khi về quê thèm rau bợ đều nhờ mẹ đi kiếm khắp nơi".
Theo các chuyên gia dinh dưỡng trong 100 g rau bợ có 4,6% protid, 1,6% glucid, 0,72% caroten vitamin C và cyclolaudenol. Chính vì những hoạt chất trên nên rau bợ có vai trò rất lớn trong phòng và trị bệnh.
Theo góc nhìn Đông y, rau bợ là thảo dược có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn. Tác dụng của rau bợ là giúp cơ thể thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc, nhuận gan, sáng mắt, giảm căng thẳng. Ngoài ra, dân gian còn dùng rau bợ để chữa các bệnh như: Tiểu ra máu, tiểu đường, suy nhược thần kinh, động kinh, bạch đới, rắn cắn....