Hằng năm, vào khoảng từ tháng 7 - tháng 9, bà con sống trong khu vực vùng núi cao như Tây Bắc, Tây Nguyên hay bên cạnh những khu rừng già lại háo hức bước vào mùa thu hoạch măng - loại cây được người dân địa phương ví von là “lộc trời” mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Sở dĩ, măng rừng là loại cây quý vì vừa mang hiệu quả về kinh tế, vừa làm nguyên liệu chế biến món ăn đặc sản, tạo nên nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực ở vùng núi.
Măng rừng là phần mầm non của các loài tre, nứa, vầu, lồ ô mọc tự nhiên trong rừng sâu. Đây không chỉ là nguồn thực phẩm sạch mà còn được xem như đặc sản độc đáo nhờ hương vị giòn ngọt và thơm tự nhiên.
Mùa mưa bắt đầu là thời điểm đại ngàn chào đón bước chân của những người phụ nữ cần mẫn săn măng. Với đôi tay khéo léo và nhanh nhẹn của mình, mỗi ngày họ thu hoạch hàng chục ký, tạo ra nguồn thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng/mùa từ việc cung cấp măng tươi và chế biến măng khô.
Thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch măng là khi chúng còn non, vỏ ngoài còn tươi xanh. Nếu để quá lâu, măng sẽ già, không còn độ giòn ngon và khó chế biến.
Để vào rừng săn măng, những người phụ nữ phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể lực lẫn dụng cụ. Mỗi chuyến đi thường bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, kéo dài đến chiều tối. Hành trang để một chuyến đi “săn lộc” rừng bao gồm dụng cụ để chặt măng, gùi để đựng măng và thức ăn, nước uống đủ cho cả ngày. Ngoài ra, họ còn mang theo áo mưa, đèn pin và một ít lá thuốc dân gian phòng trường hợp bị muỗi hoặc con vắt cắn.
Bên cạnh nông cụ, kinh nghiệm là yếu tố không thể thiếu. Tưởng chừng, công việc thu hoạch măng đơn giản nhưng đối với người địa phương, để vào rừng, những người phụ nữ này phải có lòng gan dạ, biết cách xác định phương hướng và quan sát tán lá tre, nứa để dự đoán nơi nào có măng mà đến thu hoạch. Ngoài ra, trong đại ngàn ẩn chứa nhiều hiểm nguy luôn rình rập, vì thế họ dùng gậy để thăm dò, tránh côn trùng hay rắn, rết.
Sau khi thu hoạch, măng rừng sẽ được những người phụ nữ sơ chế ngay tại nhà để giữ được độ tươi ngon. Những búp măng non sẽ được bóc vỏ, rửa sạch, sau đó mang đi luộc hoặc phơi khô tùy mục đích sử dụng.
Bà Lô Thị Cúc (trú tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết, vào mùa măng, cả hai mẹ con bà thu hoạch được 20kg măng trong một buổi sáng vào rừng, kiếm được khoảng 200.000 đồng. Theo bà tiết lộ cứ vào mùa mưa, những phụ nữ trong làng lại rục rịch chuẩn bị cơm nắm, công cụ để vào rừng. Bà Cúc cho biết nghề này rất vả vì phải thức sớm, lội bộ đoạn đường dài, “băng rừng lội suối” mất hơn 1-2 tiếng đồng hồ.
Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân phải dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất.
Mùa mưa đến, phụ nữ sống ở các buôn, làng lại rủ nhau vào rừng săn lộc.
Tương tự bà Cúc, chị Trần Thị Trang (SN 1998) cùng nhiều hộ dân trong huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng vào rừng kiếm thêm nguồn thu nhập. Trung bình, mỗi ngày chị hái được khoảng 30-50kg măng tươi. Bán với giá từ 12.000 đồng/kg, mỗi chuyến cũng kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng.
“Măng cắt xong lột hết lớp bao cứng lấy phần thân non bên trong đem về rửa sạch luộc chín, cây măng từ trắng nõn chuyển sang màu trắng ngà hoặc màu vàng, đẹp mắt. Luộc măng có màu đẹp hay không cũng là yếu tố quyết định bán được giá cao hay thấp” - chị Trang chia sẻ về quy trình chế biến măng trước khi giao cho thương lái, khách hàng.
Một số gia đình chọn cách phơi khô măng để bảo quản được lâu, trung bình 20kg măng tươi sau khi luộc và phơi sẽ thu được 1kg măng khô. Cũng vì thế mà món ăn này có giá thành cao khi dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, trở thành món đặc sản tại các vùng núi ở Việt Nam.
Măng khô là món đặc sản không thể bỏ qua khi ghé thăm những vùng núi cao.
Thế nhưng, để có được thu nhập trang trải cuộc sống, người dân không những phải đi xa mà còn phải trải qua nhiều nỗi vất vả khác. Chị Trang tâm sự: “Mỗi chuyến vào rừng hái măng, nhiều khi gặp mưa trơn trượt, bụi gai, gốc nứa cứa làm chân tay bị cào xước, chảy máu. Càng vào rừng sâu, ẩm ướt nên vắt nhiều, bám vào chân người. Hôm nay thu hoạch được nhiều, phần gùi nặng trĩu, tôi về đến nhà thì người cũng mệt rã rời”.
Với người dân trong vùng, mùa măng mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình nên dù công việc có vất vả, hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn cố gắng để thu hoạch. Ngoài ra, người dân địa phương rất ý thức trong quá trình mưu sinh, họ dùng nhiều biện pháp bảo vệ rừng. hạn chế chặt phá cây lớn, chỉ thu hoạch măng ở mức vừa phải để cây tre, nứa tiếp tục phát triển.