Đặc sản xưa không ai ăn, nay thành món khoái khẩu với người thành phố, vừa có hương vị lạ vừa bổ dưỡng, 500.000 đồng/kg

Google News

Các món từ thịt ngựa như thắng cố, nướng than hoa, xào, áp chảo... thành đặc sản nổi tiếng trong các nhà hàng ở Tây Bắc, được du khách gần xa ưa chuộng. 

Thịt lợn rừng, thịt bò, thịt gia cầm... đã quá quen thuộc nhưng nhắc đến thịt ngựa chắc chắn sẽ còn lạ lẫm với nhiều người.

Ở các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... người dân coi con ngựa là bạn đồng hành, sử dụng ngựa để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ngựa cũng là linh vật quan trọng trong các lễ hội và nghi lễ của người dân. Khi ngựa già yếu, người dân sẽ giết thịt và chế biến thành các món ăn đặc sản. 

Thịt ngựa trở thành đặc sản ở thành phố

Theo tìm hiểu, 100g thịt ngựa chứa khoảng 21g protein, 2,5g lipit và các vitamin như B1, B6 và khoáng chất như sắt, canxi, magie… Thịt ngựa được coi là một thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho người vận động nhiều.

Anh Hòa (ở Sơn La) chia sẻ, từ xưa thịt ngựa thường được mọi người lựa chọn ăn vào đầu năm hoặc đầu tháng để giải xui. Gần đây, khi du lịch Tây Bắc phát triển, thịt ngựa được du khách biết đến nhiều hơn. 

"Cuối năm khách thành phố thường lên đây mua cả con về để chia nhau. Tất cả những chú ngựa ở bản đều được người dân nuôi tự nhiên, hàng ngày chúng đi rông tự nhiên và ăn các loại cây cỏ ở ngoài đồng hay các triền núi. Khi ngựa về chuồng mới cho thêm thức ăn là hạt ngô, cám gạo hoặc cỏ voi để bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa béo tốt. Vì thế, thịt ngựa ở đây ngọt tự nhiên và ít chất béo", anh Hòa chia sẻ. 

Không chỉ lạ miệng, thịt ngựa còn bổ dưỡng

Ngoài bán cả con, nhiều hộ dân còn thịt ngựa để bán từng bộ phận. Thịt ngựa có giá từ 300.000-500.000 đồng/kg tùy loại. Theo người dân địa phương, thịt ngựa đắt rẻ tùy vào màu lông và loại thịt, giá ngựa bạch đắt hơn những chú ngựa màu.

Anh Hoà nói thêm, ngoài thịt ngựa tươi, tại các chợ vùng cao còn làm ruốc thịt ngựa hoặc giò ngựa. Du khách đến đây đều tìm mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Giò ngựa có giá 350.000 đồng/kg, trong khi đó ruốc ngựa giá gần 1 triệu đồng. 

Từ thịt ngựa có thể làm thành các món thắng cố, thịt ngựa xào, nộm thịt ngựa tái chanh, lẩu ngựa... Tại nhiều nhà hàng, quán ăn, các món ăn từ thịt ngựa được đưa vào thực đơn. 

Anh Thanh (chủ nhà hàng thịt ngựa Tây Bắc ở Điện Biên) chia sẻ: "Nhà hàng tôi có đủ món từ thịt ngựa, trong đó lẩu ngựa được nhiều khách lựa chọn nhất. Một nồi lẩu ngựa giá từ 500.000 đồng. Ngựa được người dân nuôi tự nhiên nên thịt chắc và mềm ngọt, đảm bảo độ tươi ngon và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Ngoài phục vụ khách ăn tại nhà hàng, tôi còn bán online cho những khách có nhu cầu đặt tiệc hoặc mua về nhà đãi khách". 

Lẩu thịt ngựa có mặt trong nhiều nhà hàng ở Tây Bắc

Anh Thanh nói thêm, vào các dịp lễ Tết nhiều người mua thịt ngựa nên nguồn hàng khan hiếm, khách đến nhà hàng phải đặt từ trước. Cách chế biến thịt ngựa khá giống với thịt bò do mùi vị, màu sắc không khác biệt quá nhiều. Yêu cầu thịt ngựa chất lượng tốt là màu đỏ đậm, thớ chắc, để lâu không ra nước, khi chế biến phải mềm và không có mùi ngái. 

H.A

Bình luận(0)