Chiều 24/2, trao đổi với VTV.vn về vụ doanh nghiệp “tố” mất 20.000 USD xin giấy xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương - người trực tiếp chỉ đạo đoàn thanh tra về các bước tiếp theo để xử lý vụ việc, khẳng định như trên.
Ông Trần Quốc Khánh cũng khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương là không chấp nhận việc mua bán để doanh nghiệp được cấp chỉ tiêu xuất khẩu gạo.
|
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, Bộ sẽ xác minh làm rõ vấn đề này, nếu cần có thể chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra nếu có yếu tố hình sự.
Trước đó, tại hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 109 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở TP.HCM, ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC, cho biết: “Mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo mất 20.000 USD (tương đương khoảng 460 triệu đồng). Đó là chưa kể để đủ điều kiện xuất khẩu gạo, mỗi lần xuất khẩu công ty phải báo cáo số liệu cho cơ quan chức năng đã xuất khẩu được bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu… Những việc này rất tốn thời gian, khiến công ty phải tuyển thêm người chỉ để làm báo cáo”.
Vị đại diện công ty dùng thông tin này để dẫn chứng cho những bất cập của Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ngay sau khi nhận được phản ánh này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra nhằm xác minh thông tin.
Cũng tại hội thảo này, nhiều doanh nghiệp ngành gạo kêu trời vì nhiều quy định vô lý của Nghị định 109. Họ cho rằng Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo sau sáu năm triển khai trên thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi.
Đặc biệt là các điều kiện về công suất kho, địa điểm đặt kho, giấy phép… trong nghị định này không còn phù hợp với tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay.