Vừa qua, sự việc thầy giáo dạy Vật lý ở trường THPT Trần Phú (Hà Nội) tự ý sửa điểm cho học sinh với mục đích làm đẹp hồ sơ đang tạo ra những bất bình trong dư luận xã hội.
Liên quan tới vụ việc nói trên, ông Phạm Đức Doanh - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú khẳng định, việc ông Đỗ Văn Thành, giáo viên Vật lý sửa lại điểm cho hàng chục học sinh là sai nguyên tắc, nhưng đó là “vì cái tâm của người thầy”.
Có thể thấy, việc sửa điểm cho học trò đã và đang trở nên khá phổ biến, nhất là khi một học kỳ vừa kết thúc. Một giáo viên đã từng có 20 năm công tác tại một trường THCS trên địa bàn Hà Nội tâm sự: “Hiện nay một số trường đã áp dụng bảng điểm điện tử thì việc sửa điểm rất khó nhưng trước kia trường tôi dùng bảng điểm trên giấy nên hiện tượng sửa điểm cho học trò trước khi học kỳ kết thúc là có thật.
|
Bảng điểm môn Vật lý của trường Trần Phú bị sửa (ảnh:giaoduc.net).
|
Nhiều khi, việc sửa điểm cho học sinh cũng là chuyện “cực chẳng đã”. Chúng tôi cũng đã dành hết tâm huyết trong việc truyền tải kiến thức nhưng học sinh vẫn không nắm được, điểm vẫn kém trong khi chúng tôi bị “giao chỉ tiêu, khoán định mức”.
Không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao thì bị lôi ra chỉ trích trong cuộc họp hội đồng rồi cắt danh hiệu thi đua…Vì thế, để chấm dứt hiện tượng này, mong cấp trên đừng “giao chỉ tiêu” để tạo áp lực cho giáo viên”.
Cũng liên quan đến vụ việc, một cô giáo giấu tên tại trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Trước kia, khi còn dùng bảng điểm trên giấy, hiện tượng sửa điểm cho học trò mỗi khi học kỳ gần kết thúc đúng là rất phổ biến.
Nhiều học sinh có lực học yếu kém, cả điểm miệng, điểm 15 phút và điểm kiểm tra một tiết hay điểm kiểm tra học kỳ đều dưới trung bình. Nhiều giáo viên “thương tình” nên khi học kỳ gần kết thúc đã nâng lên một vài điểm cho điểm tổng kết bộ môn của học sinh “bớt thê thảm”.
Thực tế, giáo viên nào cũng đã từng “bị ép” chỉ tiêu, rằng số học sinh khá giỏi năm sau phải nhiều hơn năm trước, không được để quá nhiều học sinh lực học trung bình… Đó là nguyên nhân cơ bản khiến giáo viên phải sửa điểm.
Tuy nhiên, hiện nay trường mình đang dùng phần mềm quản lý điểm điện tử có tên Exams do Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý thì việc sửa điểm là điều rất khó. Bởi lẽ, sau khi kiểm tra theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, các giáo viên sẽ phải nhập đủ điểm lên hệ thống.
Sau khi điểm đã được cập nhật, nếu giáo viên sửa thì ngay lập tức ô điểm của học sinh sẽ bị đổi màu. Vì thế, việc sửa điểm cho học trò là điều không giáo viên nào “dám làm”.
|
Giao diện bảng điểm điện tử.
|
Cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Hiện tượng thầy giáo dạy Vật lý ở trường THPT Trần Phú tự ý sửa điểm của học sinh là hành vi vi phạm điều 35 khoản 2 trong những quy định tại trường THCS về những điều giáo viên không được làm: “Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh”. Vì vậy hành vi này phải được xử lý kỷ luật nghiêm khắc để làm gương cho người khác.
Hành động này của giáo viên có thể thấy rõ, lâu nay, giáo viên vẫn giữ quan niệm đã trở thành cố hữu trong đánh giá học sinh: Thầy giáo có toàn quyền trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Vì thế, lâu dần thầy cho rằng mình có quyền sửa điểm của học sinh mà không biết rằng mình đang vi phạm quy chế.
Đó là chưa kể đó cũng là biểu hiện của tâm lý chạy theo thành tích: Hiện tượng giao chỉ tiêu học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi cho các giáo viên ở một số trường phổ thông là có thật. Đó cũng là một lý do gây áp lực cho giáo viên, làm cho họ có phần nương nhẹ trong việc đánh giá học sinh để đảm bảo chỉ tiêu trên giao.
Một phần nữa là do tâm lý dễ dãi của một số cán bộ quản lý và giáo viên trong đánh giá học sinh theo kiểu “Chặt đầu vào, lỏng đầu ra” , “Làm đẹp hồ sơ” dễ tạo điều kiện cho những tiêu cực trong giáo dục như xin điểm, chạy điểm, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín người thầy, đến chất lượng giáo dục đào tạo. Đã đến lúc chúng ta phải thực sự nghiêm khắc mà chấn chỉnh những hành vi sai trái trên để lấy lại lòng tin trong phụ huynh và xã hội".